Cách nấu 8 món chè nóng hổi vừa thổi vừa ăn trong những ngày gió đông về

Cách nấu 8 món chè nóng hổi vừa thổi vừa ăn trong những ngày gió đông về

Đông về, tiết trời trở lạnh, được cầm trên tay một chén chè nghi ngút khói, nóng hổi vửa thổi vừa ăn không phải rất tuyệt sao. Đặc biệt là với những món chè như chí mà phù, lục tào xá của người Hoa hay như chè đậu xanh hạt sen, chè trôi nước, chè bà cốt của người Việt ta chỉ khi dùng nóng mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của nó. Đồng thời những món chè này còn giúp cơ thể ấm áp khi thời tiết dần trở lạnh sang đông. Tham khảo ngay cách nấu 8 món chè nóng hổi này nha.

Cách nấu 8 món chè nóng hổi vừa thổi vừa ăn trong những ngày gió đông về
1. Chè mè đen (Chí mà phù)
Chí mà phù là chè của người Hoa đã du nhập vào Việt Nam từ rất lâu trước đây và bây giờ đã trở thành món chè phổ biến không kém các loại chè khác. Chí mà phù được nấu từ mè đen vì vậy chỉ khi ăn nóng mới cảm nhận được mùi thơm từ mè đen tỏa ra ngấy ngây, đặc biệt là khi trời lạnh. Món chè này không hề gây ngán mà còn kích thích những ai yêu thích ăn chè nữa. Nhanh tay vào bếp cùng công thức nấu chí mà phù đơn giản này cho gia đình mình nha.
Nguyên liệu:

  • 150g Mè đen
  •  Bột nếp
  • 200g Dừa nạo
  • 150g Đường trắng
  • 1 muỗng Bột bắp
  • 4 lá Lá dứa

Cách nấu:
Bước 1: Mè đen vo sạch, để ráo. Sau đó, đem rang thơm rồi cho vào máy xay mịn. Bột nếp đem rang thơm.
Bước 2: Vắt dừa nạo thành 1 chén nước cốt và nước dão. Cho bột bắp vào chén nước cốt dừa khuấy đều. Lá dứa rửa sạch.
Bước 3: Cho nước dảo dừa và bột mè đen vào nồi, thêm lá dứa và đem nấu. Khuấy liên tục để mè không bị vón cục và dính đáy, để bếp ở lửa nhỏ.
Bước 4: Đảo đều khoảng 10 phút, vớt bỏ lá dứa, nêm đường vừa ăn. Cuối cùng cho nước cốt dừa pha bột bắp vào khuấy đều, nhắc xuống. Chè thưởng thức ngon ngay khi còn nóng.

2. Chè đậu xanh hạt sen (Lục tào xá)
Thêm một mòn chè người Hoa cũng cực kì phổ biến đó chính là món lục tào xá hay còn được gọi là chè đậu xanh hạt sen. Món chè này được nấu từ đậu xanh đãi sạch vỏ, đem nấu nhừ cùng hạt sen thơm lừng. Những khi trời lạnh lạnh, cầm chén lục tào xá trên tay húp xì xụp vừa ấm vừa ngọt cực kì ngon nha.
Nguyên liệu:

  • 150g Đậu xanh không vỏ
  • 100g Hạt sen tươi
  • 120g Đường trắng
  • 1 lít Nước dừa
  • 1 trái Quýt
  • 100g Cùi dừa

Cách nấu:
Bước 1: Hạt sen và đậu xanh rửa sạch, để ráo nước.
Bước 2: Cùi dừa nạo thành sợi. Quýt lấy vỏ, thái sợi nhỏ. Dừa nạo đem vắt lấy nước cốt.
Bước 3: Ninh đậu xanh và hạt sen trong nồi khoảng 20 phút đến khi nhừ. Cho đường và một chút muối vào khuấy đều.
Bước 4: Khi món chè đã sệt lại, bạn cho vỏ quýt vào khuấy đều. Múc chè ra bát, rưới thêm nước cốt dừa lên trên và món chè thơm ngon đã sẵn sàng.
Chè lục tào xá không chỉ giữ ấm ngày đông mà còn là một món ăn vặt không hề gây ngán.

3. Chè sắn
Chè sắn là cái tên được người miền Bắc gọi nhưng thực ra nó chính là chè khoai mì. Chè được nấu bằng củ sắn cùng gừng và nước đường cực thơm ngon. Món chè này giúp cơ thể ấm áp trong những ngày đông lạnh nhờ vào gừng và giúp chúng ta bổ sung lượng đường hao hụt. Cách nấu rất đơn giản và nhanh chóng nên bạn hoàn toàn có thể làm tại nhà cho gia đình thưởng thức mà không phải lo lắng gì nha.
Nguyên liệu:

  • 500g Củ sắn
  • 10g Dừa nạo
  • 250g Đường trắng
  • 1 miếng Gừng
  • 1/4 muỗng Muối
  • 1 muỗng Bột sắn dây

Cách nấu:
Bước 1: Củ sắn bóc bỏ vỏ, ngâm vào nước muối từ 6 đến 7 tiếng hoặc qua đêm. Sau đó, cho luộc chín sắn. Sắn chín, lấy ra cắt thành khối vuông vừa ăn.
Bước 2: Đun đường với muối và gừng thái sợi trong một nồi nhỏ đến khi đường tan.
Bước 3: Cho sắn chín vào nấu cùng nước đường, đun lửa nhỏ để vị ngọt được thấm sâu.
Bước 4: Hòa bột sắn dây với một ít nước lọc để bột tan. Rưới từ từ vào nồi chè đến khi đặc lại thì tắt bếp. Múc sắn ra chén, rắc một ít dừa nạo, dùng nóng. Nếu muốn vị béo hơn có thể thêm nước cốt dừa.
Vậy là món chè sắn nóng hổi đã hoàn thành, bạn nên thưởng thức ngay để món chè nguội sẽ không ngon.

4. Chè khoai sọ mật mía
Những ngày thời tiết lạnh thất thường như thế này ăn ngay chén chè khoai sọ mật mía sẽ giúp cơ thể ấm áp hơn rất nhiều. Khoai sọ bùi bùi cùng mật mía ngọt thanh dịu nhẹ sẽ là sự kết hợp hoàn hảo đấy. Chè nóng ngon và tỏa mùi thơm hấp dẫn dữ lắm nha. Lưu lại ngay để làm cho cả nhà thưởng thức nào.
Nguyên liệu:

  • 1 chén Gạo nếp
  • 200ml Mật mía
  • 1kg Khoai sọ
  • 1 muỗng Gừng băm
  • 20g Đậu phộng
  • 2 muỗng Muối
  • 300ml Nước cốt dừa

Cách nấu:
Bước 1: Gạo nếp vo sạch, ngâm qua đêm. Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành những khối vuông nhỏ vừa ăn rồi ngâm vào nước muối loãng.
Bước 2: Đậu phộng đem rang, rồi bỏ vỏ, giã nhỏ.
Bước 3: Gạo nếp đem nấu, khi sôi thì hạ nhỏ lửa đến mức thấp nhất. Khoai sọ vớt ra rửa sạch và đem luộc khoảng 10 phút thì vớt ra.
Bước 4: Cho gừng băm vào nồi gạo nếp đã nấu nhừ. Sau đó, thêm mật mía, khoai sọ và muối vào rồi nấu thêm 15 đến 20 phút với lửa nhỏ. Trong quá trình nấu nhớ khuấy đều tránh gạo bị cháy khét.
Chè khoai sọ nóng hổi đã xong, bạn rắc thêm đậu phộng và rưới nước cốt dừa để tăng thêm hương vị cho món chè nha.

5. Chè bánh mật
Nhìn những chiếc bánh nếp nhỏ nhỏ xinh xinh tung tăng trong chén nước mật ngọt ngọt nhìn cực kì yêu. Không chỉ là nhìn dễ thương mà hương vị của nó ngon cực kì luôn nha. Chè bánh mật ăn ngay khi nóng sẽ cảm nhận ngay được bánh mềm mềm, cùng nước mật ngọt thanh tạo cảm giác ấm áp những khi trời lạnh đó. Chắc chắn lũ trẻ nhà bạn sẽ thích mê món này cho xem.
Nguyên liệu:

  • 150g Bột nếp
  • 1 muỗng Dầu ăn
  • 1 củ Gừng
  • 100ml Mật mía
    1g Muối

Cách nấu:
Bước 1: Trộn bột nếp cùng muối, dầu ăn và ít nước sôi. Dùng muỗng trộn đều hỗn hợp rồi thêm một ít nước sôi nữa để trộn đến khi bột đủ ướt thì dừng lại. Nhồi bột thành khối dẻo mịn không dính tay là được. Để bột nghỉ 20 đến 30 phút.
Bước 2: Đem bột cắt ra thành từng viên vừa ăn, rồi nặn thành hình thoi đều nhau rồi để riêng ra dĩa đến khi hết bột.
Bước 3: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái sơị. Luộc bột nếp đến khi thấy bánh nổi lên là đã chín.
Bước 4: Nấu mật mía trong một nồi khác. Nước đường sôi lên thì cho gừng vào. Bánh đã luộc chín vớt ra cho sang nồi nước đường và nấu thêm 2 phút để bánh ngấm đường thì tắt bếp.
Khi ăn, múc bánh ra chén và ăn ngay khi chè còn nóng.

6. Chè bột lọc nhân dừa đậu phộng
Trời lạnh mà bạn lại thèm một chén chè ngòn ngọt, nóng nóng thì hãy vào bếp nấu ngay món chè bột lọc nhân dừa đậu phộng này nha. Bột lọc dai dai bao bọc phần nhân dừa sựt sựt và đậu phộng giòn giòn, khi nhai cực vui miệng luôn nha. Kèm theo đó là phần nước đường nấu cùng gừng giúp giữ ấm cơ thể đó.
Nguyên liệu:

  • 200g Bột năng
  • 30g Đậu phộng
  • 50g Cùi dừa
  • 3 lá Lá dứa
  • 100g Đường trắng
  • 30g Gừng

Cách nấu:
Bước 1: Trộn đều bột năng với nước sôi rồi nhào cho mịn. Cho một miếng bột nhỏ ra tay, ấn dẹp miếng bột ra và cho một viên đậu phộng, cùi dừa vào gói lại thành viên nhỏ. Làm đến khi hết nhân và bột.
Bước 2: Bắt một nồi nước đến khi sôi cho từng viên chè vào luộc khoảng 3 đến 5 phút. Khi thấy viên chè chín vớt ra cho vào nước lạnh.
Bước 3: Cho đường, lá dứa và gừng cắt sợi vào nấu sôi, sau khi nước đường sôi thì cho từng viên chè bột lọc vào. Thêm cùi dừa cắt nhỏ vào để chè thêm ngon.
Chè bột lọc nhân dừa đậu phộng ăn khi trời lạnh rất thích hợp nha. Bạn vừa ăn vừa rưới nước cốt dừa lên cực ngon luôn đó.

7. Chè trôi nước
Chè trôi nước từ lâu đã không còn xa lạ gì đối với mọi người dân Việt Nam. Chè được làm từ bột nếp dẻo mềm rất ngon, bên trong thường là nhân đậu xanh hoặc đậu đen. Thường trong một chén chè trôi nước sẽ có những viên chè trôi nước mẹ có nhân và những viên con không có nhân nhỏ tròn xinh xinh kết hợp với nước đường gừng ngọt dịu cùng nước dừa beo béo sẽ không tạo cảm giác bị ngán. Buổi sáng lành lạnh được ăn ngay chén chè trôi nước nóng hổi thì không còn gì tuyệt vời hơn. Công thức chè trôi nước sau đây với nhân là mè đen cực ngon luôn nha.
Nguyên liệu:

  • 200g Bột nếp
  • 120g Mè đen
  • 400g Đường trắng
  • 226g Bơ
  • 100g Bột gạo
  • 1 củ Gừng

Cách nấu:
Bước 1: Trộn mè đen với đường, bơ thành hỗn hợp bột dẻo, dính. Nặn bột thành những viên nhỏ để làm nhân bánh, ủ trong ngăn mát tủ lạnh chừng 3 tiếng cho cứng lại.
Bước 2: Nhào bột gạo với bột nếp thành khối dẻo, mịn rồi chia thành từng viên to gấp 2 lần viên nhân mè đen. Cho nhân mè vào giữa miếng bột, vo tròn lại.
Bước 3: Đun sôi nước, thả bánh vào luộc đến khi bánh nổi thì vớt ra, cho vào nước lạnh.
Bước 4: Đun đường với nước đến khi sôi thì cho bánh trôi vào, thêm gừng đập dập vào nấu sôi thì tắt bếp.
Chè trôi nước đã hoàn thành rồi, nhanh nhanh thưởng thức thôi nào.

8. Chè bà cốt
Chè bà cốt dân dã cực đơn giản với nguyên liệu là gạo nếp, đường và gừng đã làm hơn hương vị thơm ngon của món chè. Nếp được nấu chín hòa quyện cùng đường ngọt thanh và gừng thơm lừng đã tạo nên một món chè vừa đơn giản vừa ngon. Chỉ cần bạn đã thử qua một lần sẽ không bao giờ quên.
Nguyên liệu:

  • 1/2 chén Gạo nếp
  • 100g Đường nâu
  • 1 miếng Gừng

Cách nấu:
Bước 1: Gạo vo sạch, cho vào nồi, thêm nước rồi đun sôi. Khi gạo sôi, vặn lửa nhỏ để gạo nở và chín đều. Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi thái lát, một phần đem giã nhỏ lấy nước cốt, một phần thái chỉ.
Bước 2: Đường vàng chia làm 2 phần, một phần cho vào nấu nước, khi nước chuyển màu cánh gián thì đổ ra bát. Môt phần để lại để nêm vào chè nếu cần.
Bước 3: Khi chè sánh, mịn, các hạt gạo nở đều nhưng không nát thì thêm phần nước hàng vừa đun vào khuấy đều. Nêm lại cho hợp khẩu vị.
Bước 4: Tiếp theo cho phần nước cốt gừng vào nồi chè rồi khuấy đều. Để nồi chè sôi một chút thì tắt bếp.
Chỉ với vài bước đơn giản và nhanh chóng là bạn đã có ngay món chè bà cốt cho ngày đông lạnh rồi.

Nhanh tay lưu lại 8 công thức chè này để tự nấu tại nhà cho cả gia đình thưởng thức nha. Chúc các bạn thành công!