Cách làm mứt dừa non dẻo thơm béo ngậy cho bữa trà Tết thêm ấm cúng

Cách làm mứt dừa non dẻo thơm béo ngậy cho bữa trà Tết thêm ấm cúng

Chắc hẳn bạn đã không còn xa lạ với món mứt dừa quen thuộc thường có mặt trong những mâm cỗ ngày Tết. Có thể nói đây là một món mứt truyền thống của ngày Tết Việt Nam. Trong đó, mứt dừa non lại được ưa chuộng những năm gần đây. Khác với loại mứt dừa thông thường, loại mứt dừa non này dẻo dai mà lại không hề khô.
Nhưng có một “sự cố đau lòng” khi bắt tay vào làm thì đành “ôm hận” vì chỉ sau vài tiếng sẽ bị chảy nước, kém ngon, khó bảo quản. Bí quyết dưới đây sẽ giúp bà nội trợ nào cũng thành công ngay từ lần thử đầu tiên. Các bạn cùng theo dõi cách làm nhé!

Cách làm mứt dừa non dẻo thơm béo ngậy cho bữa trà Tết thêm ấm cúng
Khâu chọn dừa rất quan trọng
Để làm được món mứt dừa non này, bước quan trọng nhất chính là chọn đúng dừa. Hãy chọn những trái dừa không quá non cũng không quá già. Chúng ta vẫn hay gọi là dừa nạo, vỏ còn xanh tươi, cơm dừa dày nhưng vẫn còn mềm chứ không cứng cậy như dùng làm mứt dừa khô.

Nếu không tìm được đúng loại dừa mong muốn, bạn có thể dùng dừa tẻ (cùi dừa cứng làm mứt dừa khô) nhưng chỉ nạo một nửa lớp trong cùng còn mềm để dùng.
Nguyên liệu:

  • 1 kg cơm dừa non
  • 500 gr đường cát trắng
  • 3 muỗng canh sữa đặc

Cách làm:
Do món dừa non sẽ hơi mềm, vì vậy nên bào mứt dạng sợi. Cơm dừa non gọt sạch phần màu nâu bám bên ngoài nếu có, đem rửa sạch rồi cắt thành những sợi nhỏ vừa ăn. Bạn cũng có thể bào vòng quanh bằng dao hai lưỡi, sợi dầy khoảng 0,5 cm khi ăn mứt sẽ mềm và dẻo.

Cơm dừa non rất nhiều dầu nên bạn cần ngâm trong nước sạch khoảng 6 giờ sau đó rửa sạch, để ráo.
Mứt dừa con thông thường sẽ có mùi thơm của dừa và hương sữa đặc. Nhưng nếu muốn, bạn có thể ướp hương vị và tạo màu cho chúng nhé.
Công thức ướp màu mứt dừa: Lá dứa, dâu tây, sầu riêng, thanh long ruột đỏ… xay nhuyễn, trộn với 300ml nước và lọc bỏ bã. Ngâm cùi dừa đã nạo vào tầm 15-30 phút đến khi miếng dừa chuyển màu thì đổ ra rổ, để ráo, bỏ phần nước đi.

Cho dừa và đường vào một tô lớn. Cho một nữa lượng đường vào tô và xốc đều. Để khoảng 1 tiếng cho đường tan và dừa ngấm ngọt.
Cho đường còn lại và ít nước vào chảo đáy dày, đun tan chảy.Cho toàn bộ dừa và đường trong tô ướp vào chảo. Tiến hành ngào dừa với lửa nhỏ cho hỗn hợp hơi sệt lại thì thêm sữa đặc vào, đảo tiếp cho sợi dừa ráo nước, đường kết tinh bám lên dừa là được.

Lưu ý: Sên mứt trên lửa nhỏ liu riu thôi nhé. Vì dừa non nên lượng nước trong cùi nhiều hơn. Bạn nên ngâm đường lâu hơn một chút để dừa non tiết ra nhiều nước hơn. Khi sên xong, mứt sẽ khô ráo hơn.
Mứt dừa vẫn còn hơi ẩm nên bạn cần bày ra khay, mang đi phơi khô một lúc là sẽ trắng tinh ngay thôi.
Khắc phục mứt dừa bị ướt khi bảo quản
Để tránh tình trạng ngày hôm sau mứt dừa non bị ướt, bạn nên mang mứt dừa sau khi sên xong ra hong khô trước quạt. Có thể đem phơi nắng hoặc cho vào lò sấy, sấy ở nhiệt độ 100 độ C cho mứt dừa khô hẳn.
Một cách khác, bạn có thể bỏ phần dừa bị ướt đó lên chảo sên trên lửa nhỏ lại, mứt dừa sẽ khô ráo hơn. Sau đó cho vào túi buộc chặt hoặc túi zip kéo kín miệng. Có thể cho thêm 1 túi hút ẩm vào bên trong túi. Mứt sẽ sử dụng trong khoảng 10 đến 20 ngày nhé.