Trẻ ương bướng luôn khiến bố mẹ giận dữ, thậm chí mất kiểm soát dẫn đến có những hành vi mắng chửi, bạo lực với con. Nếu muốn con vâng lời một cách nhẹ nhàng, mẹ hãy dành vài phút để đọc chia sẻ của bà mẹ dưới đây nhé.
Dẫu trẻ ương bướng, theo nhiều nghiên cứu thường dễ thành công hơn bạn bè nếu được bố mẹ định hướng tốt vì chúng mạnh mẽ, chịu được nhiều áp lực nhưng sao mình vẫn thấy hoang mang vì thằng bé nhà mình quá lì. Chỉ mới 4 tuổi thôi mà nói gì nó cũng cãi và luôn làm trái ý. Trong khi đó 2 đứa chị thì dễ bảo, luôn gần gũi với mẹ.
Mình vốn dĩ không thích đánh con. Những dấu vết bạo lực là nguồn cơn của một tính cách cộc cằn, thô lỗ nhưng lại thiếu tự tin vào bản thân. Mà mình yêu con thì hà cớ gì lại đánh đập một đứa trẻ khi nó chưa thể nắm bắt hết những gì mình dạy cơ chứ. Dù mình có đánh nó bao nhiêu cây, hăm dọa bao nhiêu kiểu thì cũng vô ích. Điều nó sợ là nỗi đau đớn thể xác nhưng lý do bị đánh thì với cái đầu non nớt, nó chưa thể hiểu được đến nơi đến chốn. Thậm chí cùng một lỗi sai, phải giải thích nhiều lần con mới hình thành nhận thức về điều đó.
Việc tìm tòi cách dạy con chưa bao giờ là lỗi thời. Có một quy tắc chuyên trị những đứa trẻ lì lợm, ương bướng thật sự làm mình tâm đắc, đó là quy tắc “trao quyền chọn lựa”. Mình đã áp dụng và thấy hiệu quả, ít ra là đối với thằng bé nhà mình.
Mình thường có thói quen trước khi con đi ngủ, mình sẽ kể cho nó nghe một câu chuyện. Nhưng để bắt nó lên giường chuẩn bị đi ngủ là một vấn đề, đặc biệt là lúc nó đang múa may quay cuồng với con siêu nhân, món đồ chơi mà nó yêu thích. Chưa kể 10 giờ đêm mà con siêu nhân cứ ra rả “siêu nhân vô địch, siêu nhân vô địch” trong khi ở chung cư nhà sát nhà, thật sợ phiền hàng xóm.
Áp dụng quy tắc “trao quyền chọn lựa”, mình đã nói thế này: Còn 10 phút nữa là đến giờ đi ngủ rồi, con muốn đánh răng trước hay kể chuyện trước?
Nó trả lời: Con muốn đánh răng trước, thơm tho mới lên giường được chứ mẹ.
Thế là cậu tắt nút khởi động con siêu nhân và đi đánh răng. Sau đó lên giường đòi mẹ kể chuyện.
Nếu mình gắt gỏng hay lèm bèm (kiểu: giờ này còn chưa chuẩn bị đánh răng đi ngủ thì mấy giờ mới ngủ. Thức khuya là không tốt cho con nít nghe chưa) thì nó sẽ cãi lại (con chưa muốn đi ngủ) và 2 mẹ con cù cưa tới sáng.
Hoặc một tình huống khác, bạn nhỏ hàng xóm qua nhà chơi nhưng nó không muốn cho bạn mượn bất kỳ món đồ chơi nào, đặc biệt nó cứ khư khư ôm con siêu nhân.
Mình sẽ nói: bây giờ con chơi con siêu nhân trước 10 phút rồi cho bạn ấy mượn chơi 15 phút, hay là cho bạn ấy chơi trước 10 phút, rồi con chơi 15 phút, hay là con cho bạn ấy mượn món đồ chơi khác?
Sau một hồi suy nghĩ, nó giành chơi con siêu nhân một mình và cho bạn mượn 1 món đồ chơi khác trong thùng đồ chơi của nó.
Nếu mình nói: Con phải học chia sẻ với người khác chứ. Một đứa bé ngoan luôn luôn làm như vậy. Chắc chắn nó sẽ trả lời: con không muốn làm đứa bé ngoan (cắc cớ là vậy đó các mẹ ạ).
Phương pháp này hay ở chỗ là dùng cách chọn lựa để đẩy vấn đề về phía đứa trẻ, buộc trẻ phải xử lý. Mặt khác, nó còn kích thích con động não suy nghĩ, tập chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Khi dùng cách này trị thói lì lợm, ương bướng của con, muốn tăng hiệu quả, cha mẹ cần tránh 3 lỗi sau trong dạy con:
Nói không trúng đích
Khi trẻ làm sai điều gì, mẹ thường hay la lối, kể lể mà không nhằm vào cái gì rõ ràng khiến trẻ không biết mình bị phê bình về điều gì. Thường xuyên nghe những lời trách mắng kiểu này làm trẻ “lờn thuốc”, việc dạy con sẽ không hiệu quả.
Chuồn chuồn chấm nước
Khi con làm sai điều gì, cha mẹ chỉ tiện miệng nhắc nhở một câu: Lần sau không được như thế, nếu không bố mẹ sẽ buồn con lắm đấy. Trẻ sẽ không thể nhận ra lỗi lầm của mình với kiểu phê bình nhẹ nhàng này.
Thay vào đó, hãy nhìn thẳng vào mắt con, nghiêm khắc nói rõ lý do và bắt con xin lỗi bố mẹ hoặc người con đã phạm lỗi. Nhờ vậy, con biết lỗi của mình và lần sau không dám tái phạm.
Nói chuyện tiêu cực
Những hình thức la mắng, giọng điệu tiêu cực, than trách, ra lệnh… dễ làm tổn thương lòng tự trọng và tình cảm của con đồng thời không làm con tâm phục. Thậm chí, con sẽ vô thức nhiễm cách nói những lời không hay không tốt từ thói quen này của cha mẹ.
Hẳn nhiên, cách trị con ương bướng sẽ có nhiều lắm. Mẹ có thể tìm hiểu thêm, tùy theo tính cách từng đứa trẻ mà điều chỉnh sao cho thích hợp. Mong rằng chia sẻ này của mình sẽ hữu ích với ai đó.