Mận có vị chua ngọt, rất ngon lại giàu dinh dưỡng nhưng bà bầu ăn mận được không? Các mẹ cùng tìm câu trả lời bên dưới nhé.
Có mẹ nào bầu thèm chua dữ dội như em không? 2 tháng bầu của em trôi qua khá nhẹ nhàng. Cũng mừng là ít ốm nghén nhưng có cái thèm chua dữ quá. Mấy nay đi làm về thấy trên đường người ta bán mận nhiều lắm. Hỏi ra mới biết mận đang vào mùa. Thật tình là nhìn mấy quả mận đỏ au, to tròn, căng mọng mà không cưỡng được các mẹ à. Lần đầu mang bầu nên em cũng non kinh nghiệm, chẳng biết bà bầu ăn mận được không. Đảo vài dòng trên mạng, em đã có thông tin về nó rồi đây. Em xin chia sẻ với các mẹ có cùng thắc mắc nè.
Giá trị dinh dưỡng của quả mận
So với nhiều loại trái cây khác, giá trị dinh dưỡng của mận tươi cao đáng kể. Mận chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Nó cũng là nguồn giàu cất xơ và chất chống oxy hóa. 100g mận cung cấp:
- Calo: 46 kcal
- Chất xơ: 1,4g
- Vitamin C: 9,5mg
- Canxi: 6mg
- Magiê: 7mg
- Photpho: 16mg
- Kali: 157mg
- Folate : 5μg
Vì sao mẹ thèm mận khi mang thai?
Mặc dù không có nghiên cứu nào cho biết tại sao phụ nữ mang thai thèm mận, nhưng một số giả thuyết cho rằng họ có xu hướng thèm trái cây do thiếu vitamin C. Một lý do khác có thể là sự thay đổi nội tiết tố có thể làm tăng cảm giác thèm ăn.
6 lợi ích sức khỏe nếu ăn mận khi mang thai
Nhiều người cho rằng mận cũng như dứa là thực phẩm không an toàn trong thai kỳ. Nhưng hóa ra bà bầu ăn mận thường xuyên với số lượng hợp lý sẽ rất có lợi trong thai kỳ.
1. Duy trì mức đường huyết: Ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI), chẳng hạn như mận, có thể giúp kiểm soát lượng glucose trong cơ thể.
2. Giảm táo bón: Uống nước ép mận có thể chữa táo bón vì mận có hàm lượng chất xơ rất phong phú.
3. Cải thiện sức khỏe xương: Mận tươi hoặc mận khô cung cấp canxi và có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe xương cho mẹ và thai nhi. Do đó, bà bầu nên bổ sung mận vào chế độ ăn uống mỗi ngày.
4. Có thể giảm nguy cơ sinh non: Thiếu vitamin C trong chế độ ăn uống của bà bầu có thể làm tăng khả năng vỡ ối sinh non. Các loại thực phẩm như mận có nhiều vitamin C có thể giúp giảm nguy cơ này.
5. Tốt cho não: Nghiên cứu mới cho thấy rằng sự hiện diện của các chất chống oxy hóa mạnh như anthocyanin và polyphenol trong mận đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nồng độ lipid trong tế bào não.
6. Giảm căng thẳng và mệt mỏi: Vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa hoạt động song song để hỗ trợ các quá trình cơ thể khác nhau và tăng mức năng lượng. Từ đó có thể giúp mẹ giảm căng thẳng và mệt mỏi.
Những trường hợp nên tránh ăn mận khi mang thai
Mặc dù mận có lợi đối với mẹ và thai nhi nhưng bà bầu cần tránh ăn trong những trường hợp sau để đảm bảo an toàn.
Bị sỏi thận: Bởi vì mận có chứa oxalate. Chúng kết hợp với canxi trong cơ thể sẽ tạo thành sỏi.
Đang dùng thuốc: Hãy tham khảo bác sĩ nếu mẹ đang dùng thuốc vì loại trái cây này có thể can thiệp vào các loại thuốc.
Bà bầu ăn bao nhiêu mận là an toàn?
Với những thông tin trên đây hẳn mẹ đã biết bà bầu ăn mận có được không. Mận bổ dưỡng và mang lại nhiều lợi ích đối với thai kỳ nhưng tiêu thụ bao nhiêu mỗi ngày là an toàn?
Chuyên gia khuyến cáo bà bầu nên ăn 5 – 7 phần trái cây tươi khác nhau mỗi ngày. Mận có thể là một trong những phần ăn đó, chừng 6-7 quả mận một lần ăn. Mẹ có thể ăn tươi, ăn mận khô hoặc uống nước ép mận. Mặc dù mận rất ngon và bổ dưỡng, nhưng bà bầu không được tiêu thụ quá mức vì chúng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nhất định.