Mặc dù đã được bố mẹ làm công tác tư tưởng cho bé lớn rất tốt trước khi con thứ hai chào đời nhưng sau đó con dường như không chấp nhận và thấy ganh tỵ với em rất nhiều.
Làm sao để bé lớn thương em sau khi con thứ hai ra đời luôn là vấn đề đau đầu của rất nhiều ông bố bà mẹ. Dù cho trước đó các mẹ cảm thấy đã ổn vì công tác tư tưởng tốt cho đứa con đầu lòng. Thế nhưng, sau khi em xuất hiện, bé lớn vẫn không thể chấp nhận, thậm chí là ganh ghét em.
Bé lớn hay mè nheo để thu hút sự chú ý của bố mẹ. Đôi khi bé cố tình kéo mẹ đi khi thấy mẹ chơi với em. Sự thay đổi hành vi của bé lớn như thế cho thấy những ý nghĩ xấu có thể đang nhen nhóm trong đầu con.
Nếu đứng ở góc độ của bé lớn, bố mẹ sẽ không quá ngạc nhiên trước sự tức giận và ganh tị của bé lớn đối với em. Bởi lẽ, trước đó bé lớn đã quen với việc có tất cả tình thương yêu của bố mẹ và mong rằng được trải qua điều đó mãi mãi. Bé lớn lo lắng việc phải chia sẻ thời gian của bố mẹ với em.
Những nỗi lo lắng tâm lý có thể hình thành như sợ bố mẹ sẽ yêu em hơn và thấy bản thân không còn quan trọng trong lòng bố mẹ. Nói cách khác, bé lớn cảm thấy bất an sau khi có em.
Bé lớn có thể lo rằng mình không được ngủ trong phòng ngủ của mình là vì em. Bây giờ cũng phải chia sẻ đồ chơi của mình cho em. Thậm chí, bé lớn có thể nghĩ rằng bố mẹ muốn sinh thêm con là vì mình chưa ngoan, hoặc đó như là cách bố mẹ muốn phạt mình.
Những thay đổi trong hành vi và cảm xúc của đứa con đầu lòng sau khi bố mẹ sinh con thứ hai là điều dễ hiểu. Thay vì nổi giận, bố mẹ cần xoa dịu cảm xúc và điều hướng hành vì để bé lớn chấp nhận và biết thương em bằng những cách dưới đây.
Cho bé lớn cảm thấy mình quan trọng với em
Một trong những cách hiệu quả để giúp bé lớn giảm cảm giác ganh tị em là để cho bé lớn cảm thấy chúng quan trọng bằng cách cho bé trực tiếp tham gia chăm sóc em.
Bé lớn sẽ cảm thấy tầm quan trọng của bản thân khi được bố mẹ nhờ tìm một chiếc tã sạch cho em, được mẹ cảm ơn vì đã thoa kem dưỡng lên da chân em sau khi tắm,…
Khi thực hiện trách nhiệm chăm em, bé lớn sẽ cảm thấy mình là một phần trong cuộc sống của em. Điều đó giúp tăng cường sự gắn bó giữa bé lớn và em, làm giảm cảm giác ganh tỵ và giận em ở bé lớn.
Cho con thấy mình vẫn được bố mẹ quan tâm, yêu thương
Hãy chứng minh cho con thấy rằng dù bố mẹ sinh thêm con nhưng tình yêu dành cho con vẫn không thay đổi, vẫn luôn quan tâm con. Chẳng hạn, bố mẹ hãy nhấn mạnh rằng mình rất muốn cùng con trải qua một vài khoảnh khắc trước khi vội vàng đến chăm em bé mới sinh. Khi đó, bé lớn sẽ tự cảm nhận mình vẫn là trung tâm của sự chú ý, vẫn được bố mẹ quan tâm và yêu thương như trước.
Trao cho con đặc quyền làm anh/ chị
Bố mẹ hãy cho con thấy những đặc quyền của bé lớn. Chẳng hạn hãy nói với con rằng: “Con có thể đi ngủ muộn một chút vì con là anh/chị.”, “Con có thể xem ti vi lâu hơn vì con là anh/chị”.
Dành thời gian cho bé lớn
Sau khi con thứ hai ra đời, bố mẹ có thể quá bận để chăm sóc con và dường như thời gian ở cùng bé lớn ngày càng ít dần. Dù bận nhưng mỗi ngày bố mẹ nên dành thời gian riêng để ở bên bé lớn mà 5-10 phút.
Được trải qua thời gian riêng tư cùng bố mẹ, bé lớn sẽ cảm thấy mình được bố mẹ chú ý. Bố mẹ hãy cho con thấy mình thích những khoảnh khắc quý giá được ở bên con.
Ngoài ra, bố mẹ hãy thường xuyên khuyến khích con suy nghĩ tích cực về em của mình, để bé lớn biết thương yêu em hơn.
Sự ganh tỵ của bé lớn sẽ giảm dần khi con vào nhà trẻ. Khi đó, bé lớn sẽ dần nhận ra em mình là một phần trong gia đình mình và bé sẽ rất thích kể với bạn bè về em của mình. Vì vậy, bố mẹ không cần phải qua lo lắng. Song sinh với quá trình chăm sóc con sơ sinh, bố mẹ cần chú ý đến cảm xúc của bé lớn nhiều hơn, tuyệt đối không được thiên vị, phải yêu thương các con như nhau.