Các mẹ đã bao giờ nghĩ tự trồng 1 cây ớt ở nhà chưa ạ? Trồng ớt cay không hề khó. Không cần tốn nhiều thời gian hay công sức chăm sóc thì cây vẫn cho quả rất sai. Chính vì thế, nhiều gia đình tận dụng một góc sân vườn nhỏ thậm chí chỉ là một hộp xốp nhỏ để trồng.
Vậy bí quyết của họ là gì? Cùng tìm hiểu cách trồng ớt cay sai quả mà ít sâu bệnh nhé!
1. Chuẩn bị trước khi trồng ớt
Chọn giống ớt
Cũng như các loại cây quả khác, ớt cũng có rất nhiều loại khác nhau như: Sừng Trâu, Chỉ Thiên, ớt Biếm, ớt Hiểm. Ngoài ra ở miền Trung còn có nhiều loại ớt khác như: Chìa Vôi hay Sừng Bò. Bạn có thể dựa theo sở thích và mục đích của gia đình để chọn giống ớt phù hợp.
Sau khi chọn được giống ớt như ý, các bạn có thể ra siêu thị hoặc chợ mua hạt ớt được bán sẵn hoặc dùng hạt ớt ăn để trồng. Mặc dù cách thứ hai đơn giản hơn nhưng cách thứ nhất lại được khuyến khích hơn rất nhiều. Bởi hạt giống đó đã qua xử lý, có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn.
Còn nếu bạn vẫn muốn tự tạo giống ớt thì hạt ớt sau khi lấy trực tiếp từ quả cần được ngâm với trà hoa cúc hoặc oxy già để hạt được khỏe mạnh.
Thời điểm thích hợp để trồng ớt
Những loại cây trồng tại gia đình đều có thể trồng được quanh năm. Nhưng thời điểm cây phát triển tốt, ít sâu bệnh nhất là gieo hạt từ tháng 8 tháng 9 và trồng vào tháng 9 tháng 10. Sau khoảng 1 tới 2 tháng trồng nghĩa là từ tháng 12 tới tháng 1 thì bắt đầu thu hoạch. Vụ thu hoạch có thể kéo dài đến tận tháng 4 tháng 5 năm sau.
Chuẩn bị đất trồng
Khác với trồng nha đam hay dưa chuột, đất trồng ớt là nhiều loại khác nhau như đất pha cát, đất thịt pha sét hay đất phù sa ven sông. Thậm chí có thể là đất canh tác lúa. Bởi lẽ cây ớt có thể thích nghi với nhiều điều kiện khác nhau, chỉ cần đất tơi xốp, thoáng khí và nhiều chất dinh dưỡng là được.
Khi mới lấy đất về, bạn không nên sử dụng đất đó để trồng cây luôn mà nên dọn sạch cỏ, bổ sung thêm nước để đất có độ ẩm, dễ trao đổi oxi. Không những thế, để làm giàu dưỡng chất của đất trồng và khử sạch vi khuẩn bạn nên bón thêm một lớp vôi và phân NPK nữa nhé!
2. Cách trồng cây ớt tại nhà đạt hiệu quả
Cách trồng cây ớt trong thùng xốp từ hạt
Ngâm ủ hạt:
Muốn hạt ớt nảy mầm thì bạn cần ngâm chúng trong nước 50 độ khoảng 2 đến 8 tiếng để thúc đẩy chúng mau chóng nảy mầm. Muốn có được nước ấm ở 50 độ thì bạn pha nước nóng và nước lạnh theo tỷ lệ 2:3 là được.
Gieo hạt ớt:
Để việc gieo hạt được đơn giản bạn không cần đầu tư khay gieo hạt chuyên nghiệp mà chỉ cần khay làm đá, đục vài lỗ bên dưới rồi gieo hạt vào là được.
Sau khi gieo hạt trong khay xong bạn nên để hạt ở nơi có nhiệt độ ấm áp. Hoặc bạn có thể dùng bóng đèn sợi đốt để cung cấp nhiệt cho chúng. Việc này sẽ thúc đấy quá trình hạt mau chóng nảy mầm.
Khi bạn thấy hạt ớt có dấu hiệu nảy mầm thì cần chịu khó để ý chúng đến khi tạo thành cây con. Đến khi cây con cao từ 10 tới 15cm thì bạn chọn những cây khỏe mạnh, đánh ra khỏi khay và đem đi trồng vào từng chậu đã chuẩn bị sẵn.
Trồng cây con:
Nếu không muốn tốn công gieo hạt thì bạn hoàn toàn có thể trồng bằng cây con. Mỗi ngày, bạn đem chúng ra tắm nắng vài giờ. Số giờ cứ tăng dần cho tới khi chúng hoàn toàn thích ứng với môi trường tự nhiên.
Muốn cây phát triển tốt, bạn có thể bón thêm phân NPK cho cây 2 lần nữa. Một lần là khi cây được trồng vào chậu từ 20 tới 25 ngày. Hai là khi cây bắt đầu kết quả. Bạn cũng đừng quên tỉa cành, tỉa nhánh cho cây, nhất là ở dưới gốc. Điều này sẽ giúp cây được “nhẹ”, thông thoáng, phát triển tốt.
3. Kỹ thuật chăm sóc cây ớt
Tưới nước:
Bạn nên tưới nước một lần 1 ngày nếu đất thoát nước tốt hay trời khô hạn. Còn với đất ẩm thì 2 ngày bạn nên tưới 1 lần. Hơn hết, bạn cần thường xuyên theo dõi cây để nắm rõ tình hình. Từ đó có thể tăng giảm lượng nước cho thích hợp.
Để giữ đất luôn ẩm và không mất chất dinh dưỡng thì nên bỏ thêm rơm rạ, hay cỏ khô ở gốc cây. Bạn cũng nên thường xuyên nhổ cỏ dại, bắt sâu, xới đất quanh gốc để đất tơi xốp và bón phân trung bình 1 tháng 1 lần.
Cắt tỉa cành ớt:
Khi cây ớt đủ lớn (khoảng 20cm) thì bạn tiến hành tỉa cành. Nên tỉa những cành dưới điểm phân nhánh để gốc cây được thông thoáng. Đồng thời, giữ được lực cho cây. Sau đó tiếp tục tưới nước và kiểm tra độ ẩm cho cây.
Một lưu ý nhỏ cho các bạn là nếu trồng trong chậu tròn thì chỉ nên trồng 2 hoặc 3 cây. Còn nếu trồng trong chậu dài thì đảm bảo khoảng cách từ 20 đến 30cm một cây. Những con số đó sẽ giúp cho cây có không gian để phát triển.
4. Thu hoạch và bảo quản ớt
Thu hoạch ớt:
Bạn nên thu hoạch trái khi nó bắt đầu chuyển màu, nghĩa là trước khi chín. Việc thu hoạch trái già có vệt đỏ sẽ kích thích cây tiếp tục ra hoa, đảm bảo số lượng cũng như chất lượng cho đợt sau.
Khi thu hoạch bạn nên ngắt cả cuống, tránh làm gãy nhánh cây. Ớt cay thông thường sẽ thu hoạch được từ 35 tới 40 ngày kể từ ngày trổ hoa. Nếu vào đúng lúc ớt rộ nhất thì mỗi ngày thu hoạch một lần. Còn bình thường 2 ngày thu hoạch 1 lần.
Thông thường, cứ 35 tới 40 ngày kể từ khi kết trái thì có thể thu hoạch được. Nếu bạn chăm sóc tốt thì có thể thu hoạch được nhiều lần.
Cách bảo quản ớt được lâu:
Mặc dù hạt ớt là nhân tố quan trọng giúp ớt cay hơn. Nhưng nó cũng là thủ phạm khiến ớt nhanh hỏng. Chính vì thế, khi thu hoạch xong bạn nên tách bỏ hạt ớt ra khỏi trái. Sau đó cho vào túi nhựa và bảo quan trong tủ lạnh để thời gian sử dụng được lâu.
Hay bạn cũng có thể ngắt cuống ớt, rửa sạch quả và cho vào túi nilon bảo quan trong tủ lạnh. Ngay khi cần dùng bạn có thể lấy ra trực tiếp sử dụng.
Một cách khác là bạn cắt bỏ cuống, ngâm ớt với nước giấm đường. Việc làm này giúp trái ớt được bảo quản lâu hơn. Không những vậy còn tăng độ cay và giòn của trái ớt.
Hi vọng với cách trồng ớt trên các bạn có thể thành công trong việc trồng một loại cây gia vị cho cả gia đình.