Với mỗi vùng miền, mâm cỗ ngày Tết lại mang những nét đặc trưng khác nhau. Vậy với người dân miền Bắc, mâm cỗ cổ truyền có gì đặc biệt?
Thành ngữ Việt Nam có câu: “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Tết là dịp đoàn tụ gia đình nên mâm cỗ ngày Tết cũng thường được chuẩn bị vô cùng thịnh soạn, thể hiện cho sự no ấm, hạnh phúc cũng như ước mong một năm mới đầy đủ và phát đạt. Món ngon ngày Tết miền Bắc rất đa dạng, trong đó phải kể đến các món như: Măng khô hầm xương, giò thủ, thịt đông, bánh chưng…
Bánh chưng
Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Ngày nay, khi xã hội phát triển hiếm có hay rất khó tìm gia đình nào gói bánh chưng ngày Tết nhưng bánh chưng mua về cũng phải là loại ngon nhất. Gạo nếp phải chọn dẻo thơm nhất để lâu không bị lại gạo. Nhân bánh thường có thịt, đậu, hành khô, hạt tiêu. Bánh phải gói chặt tay, sau khi luộc suốt 14 tiếng vớt ra rửa qua nước lã rồi dùng một tấm ván cùng những vật nặng ép chặt bánh. Như vậy khi cắt bánh ăn không nát lại dẻo, cắn vào miệng bánh thơm lại bùi.
Giò thủ
Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, giò thủ luôn giữ vị trí quan trọng và trở thành món ăn không thể thiếu. Giò là thịt giã trong cối đá cho thật nhuyễn, gói lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang, rồi mang luộc, nhưng hấp thì giò ngon hơn. Giò thái theo khoanh, trắng mịn, bày lên đĩa, phải sắt giò cho gọn, trông đẹp mắt và dễ gắp. Khoanh giò trắng mịn, có vài lỗ nhỏ bằng hạt gạo do nước thoát ra thành bọt khi hấp, đó là giò lụa, làm bằng thịt heo (người Bắc gọi là thịt lợn). Nếu dùng thịt bò thì chỉ còn tên là giò bò.
Thịt đông
Thịt đông là món riêng có của mùa đông xuân Bắc bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt heo ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, bạn lấy khỏi bếp và đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kỹ cho nó ăn gió uống sương, thu lấy cái rét mướt từ trời cao và đất thấp vào mình để sớm hôm sau. Trên mặt của nồi thịt đông là lớp ván mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết bắc.
Dưa món, hành muối
Dưa món, hành muối thường được sử dụng như một món ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt kho Tàu, thịt luộc) cho đỡ ngán trong những ngày Tết. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa và hành muối vừa giúp gia tăng hương vị vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn nữa đấy.
Nem rán
Nem rán là món ăn dễ chế biến, đã trở thành món ăn quen thuộc trong các gia đình Việt Nam, đặc biệt là trong những dịp Tết. Nguyên liệu để làm nhân nem rán gồm: thịt heo băm nhỏ kết hợp với mộc nhĩ và gia vị. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn hấp dẫn. Còn gì bằng khi trong mâm cơm ngày tết, cả nhà quay quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức món nem rán. Vị giòn giòn, béo sẽ khiến bạn không thể từ chối được.
Miến măng gà
Gà là loại gia cầm rất thân thuộc và gắn liền với cuộc sống của con người không chỉ vào ngày Tết mà những ngày thường, họ quan niệm rằng “khách đến nhà không gà thì vịt” bằng cách giết những con gà, dùng nó làm ra những món ăn đãi khách trong ngày Tết cổ truyền như: miến măng gà, thịt gà. Vị chua của măng kết hợp với vị ngọt, béo của thịt gà và miến sẽ khiến bạn ấm bụng trong những ngày thời tiết se lạnh của miền Bắc, đồng thời thể hiện sự hiếu khách, coi nó như là một niềm vui, hạnh phúc trong những ngày Tết.
Rau thập cẩm xào thịt bò
Bên cạnh những món nem, giò chả, bánh chưng dễ gây ngán trong ngày Tết không thể thiếu món rau thập cẩm xào thịt bò. Thông thường người miền Bắc họ sẽ chế biến thịt bò thành những món ăn đơn giản, nhanh mà vẫn mang đậm hương vị của ngày Tết.
Chè kho
Với nhiều thế hệ người Việt Nam, chè kho đã trở thành món ăn thân thiết, luôn hiện diện trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi đêm giao thừa. Chè kho cũng là món ăn mời khách trong ngày mùng một Tết của người Việt Nam xưa. Khi khách đến chơi nhà chúc Tết, chủ nhà thường cắt từng miếng chè kho mời khách thưởng thức với trà sen.
Không phải là món ăn sang trọng nhưng lại là món rất được mong đợi mỗi khi Tết về, hương vị của chè kho thật đặc biệt, ăn vừa mát, vừa mềm dẻo, vừa có độ mịn và thơm ngon của đỗ xanh lại có mùi hương thoang thoảng của hoa bưởi. Tết này, các bạn hãy thử gây bất ngờ cho gia đình bằng món chè kho nhé!
Măng khô hầm xương
Xuân về háo hức với những món ăn ngon, du xuân trong không khí vui vẻ ấm áp này không thể thiếu đi những món ăn ngày tết hấp dẫn như măng khô hầm xương. Nói đến món ăn này, chắc hẳn bạn đã một lần được thưởng thức, vị ngọt từ nước xương hầm và dai dai của măng khiến bạn khi ăn sẽ nhớ mãi.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cả nước đang háo hức chuẩn bị đón Tết, cùng hòa mình vào không khí xuân đang về. Dù ở đâu xa hay chính mảnh đất Việt Nam này, họ luôn mong chờ cái khoảnh khắc gia đình đoàn tụ, sum vầy trong năm mới.
Xắn tay áo lên và cùng vào bếp chuẩn bị những món ngon chiêu đãi họ hàng, bạn bè trong những ngày xuân năm sắp đến nhé!