Với sự kết hợp giữa riêu cua đồng béo ngậy, vị chua thanh của cà chua, đậu hũ ngọt mát và mùi mắm tôm đậm đà, ăn kèm rau sống như: xà lách, rau muống… chanh, tỏi, tương ớt đã trở thành món “gây nghiện” cho nhiều người.
Bún riêu cua là một món ăn truyền thống Việt Nam, nghe tên dân dã thế thôi nhưng kì thực hương vị của nó đã làm không ít thực khách nhớ mãi không thôi. Bởi bún riêu có vị ngọt đậm, nước dùng hơi chua, phảng phất mùi cua đồng. Bún riêu thường thêm chút mắm tôm để tăng thêm vị đậm đà, thường ăn kèm với rau ghém (rau diếp thái nhỏ hay cọng rau muống chẻ).
Nguyên liệu và dụng cụ cần chuẩn bị cho món bún riêu cua đồng cho 4 – 5 tô bún:
- 500 gr cua đồng
- 100 gr thịt xay
- 50 gr tôm khô
- 2 quả trứng gà
- 1 kg bún
- 3 miếng đậu hũ
- 4 quả cà chua
- 2 quả me
- 50 ml mắm tôm
- Hành tím, hành lá, ngò (hay còn gọi là rau mùi)
- Rau sống: Rau muống, bắp chuối, xà lách
- Hạt tiêu, hạt nêm, nước mắm, đường, dầu ăn
- Dụng cụ: Bếp, chảo, nồi, tô lớn, tô nhỏ,…
Cách làm món bún riêu cua đồng:
Bước 1: Làm riêu cua
Đậu hũ cắt nhỏ mang đi chiên vàng. Hành lá rửa sạch cắt khúc. Cà chua cắt miếng vừa ăn, xào qua với dầu ăn ở lửa to.
Chế biến cua đồng xay:
+ Cua ngâm nước 1 đến 2 giờ để loại bỏ hết đất cát, xả lại nước sạch. Lột yếm cua, mai cua để riêng.
+ Dùng thìa nhỏ nạo lấy phần gạch cua cho vào chén, ướp với một ít tiêu xay, hạt nêm. Xay hoặc giã nhỏ mai cua.
+ Cho cua xay vào một chiếc tô lớn rồi hòa nước vào, dùng tay bóp nhẹ cho thịt cua tan vào với nước.
+ Sau đó, gạn đổ nhẹ nhàng nước vào nồi. Và cứ thế làm lặp đi lặp lại hai bước này khoảng 2 lần. Đến khi thấy cuối bát chỉ còn lại vỏ cua cứng ráp là được.
+ Hoà một chút gia vị (muối, hạt nêm, đường) vào với nước cua vừa lọc rồi đặt lên bếp đun ở lửa vừa. Chú ý không để lửa to quá, gạch cua rất dễ bị cháy hoặc trào ra ngoài.
+ Khuấy nhẹ để riêu cua kết lại, vớt để riêng ra bát. Sau đó cho cà chua xào qua trước đó vào nồi nước cua, nêm lại nồi nước dùng với một thìa cà phê mắm tôm, các loại gia vị cho vừa ăn rồi cứ tiếp tục đun tiếp ở lửa nhỏ.
Bước 2: Làm chả tôm thịt
Chế biến chả ăn kèm bún riêu cua: Tôm khô ngâm nước cho mềm rồi mang đi xay nhuyễn. Đổ tôm khô đã xay nhuyễn ra tôn lớn thêm vào thịt xay, trứng gà, đầu hành bằm, tỏi bằm hạt nêm, đường rồi trộn thật đều hỗn hợp.
Nước riêu cua sôi, dùng thìa múc từng phần một trong hỗn hợp vừa trộn cho vào nồi nước.
Chả chín nổi lên mặt nước thì tiếp đến cho đậu phụ đã rán vào. Khi nào gần ăn, bạn có thể cho giấm bỗng vào, lượng giấm bỗng cho vào tùy thuộc vào khẩu vị của bạn (trong món bún riêu cua của người miền Bắc thường cho thêm giấm bỗng vào để tạo ra vị chua thanh dịu dàng và mùi thơm đặc trưng).
Bước 3:
Công đoạn cuối cùng là phi thơm hành khô rồi đổ nhanh phần gạch cua vào, đảo đều và tắt bếp. Cái này được gọi là nước màu và các bạn có thể cho luôn vào nồi nước riêu cua hoặc cho riêng vào từng bát khi ăn đều được.
Cho bún, hành vào bát. Chan nước riêu cua và nước màu lên trên là bạn đã có món bún riêu cua theo hương vị miền Bắc, ăn kèm với đĩa rau sống tươi tạo cảm giác ngon miệng trong những ngày hè nóng bức.
Như vậy món bún riêu cua đồng đã hoàn thành với mùi thơm đặc trưng của mắm tôm, nước cua ngọt đậm đà và vị chua thanh của cà chua ăn bảo đảm sẽ khiến bạn xuýt xoa. Rau sống ăn kèm bạn có thể tuỳ chọn theo sở thích nhé.
Lưu ý:
Cách chọn cua đồng tươi ngon: Đầu tiên bạn nên chọn cua đồng màu tím xám đục, phần mái của màu sáng hơn. Muốn chọn của nhiều thịt thì nên chọn cua đực có yếm nhỏ và nhọn, còn với chọn của nhiều gạch thì chọn của cái có yếm lớn hơn, người ta thường gọi là yếm bông. Và bạn phải chọn những con còn di chuyển nhanh, càng và chân còn đủ, lấy tay ấn vào vỏ yếm thấy nổi bọt khi thì cua còn tươi. Với cua đồng tươi bạn rửa sạch, ngâm từ 1 đến 2 tiếng cho sạch bùn cát rồi rửa sạch lại lần nữa. Sau đó bóc bỏ mai cua để ráo nước. Còn gạch cua thì bạn nhẹ nhàng dùng que hay đũa nhỏ gạc ra để riêng.
Để làm bún riêu cua ngon, cua phải được giã bằng tay, váng thịt cua mới mềm, mịn và giữ được mùi vị đặc trưng. Nếu không có thời gian bạn đem xay cua bằng máy xay, nhưng váng thịt cua thường xốp, sạn.