Công thức bánh căn nhà làm thơm ngon, béo ngậy

Công thức bánh căn nhà làm thơm ngon, béo ngậy

Công thức bánh căn có lẽ không nơi nào bằng bánh căn ở Đà lạt. Món ăn tuy đơn giản nhưng nó có đầy đủ vị mặn, vị cay, vị nồng, vị thơm, vị ngọt của con người nơi đây. Bánh căn nóng hổi, chấm vào chén nước chấm chua ngọt có vài viên xíu mại, ăn kèm với rau sống, xà lách và xoài xắt mỏng chua chua đã chinh phục vị giác du khách thập phương, khiến họ mãi nhớ về một ngày Đà Lạt, trong không khí se se lạnh, cùng ngồi xuống một hàng quán bình dị ven đường bên những lò bánh căn đỏ lửa.
Giờ đây bạn không phải cât công lên tận Đà Lạt để thưởng thức, mà thay vào đó làm nó ngay tại gian bếp nhà mình luôn nhé.
Công thức bánh căn nhà làm thơm ngon, béo ngậy
Nguyên liệu

  • Gạo thơm: 1 kg
  • Cơm khô: 1 bát con
  • Cà chua chín: 2 trái
  • Lá hẹ: 10 nhánh
  • Tôm tươi: 100 gram
  • Trứng cút: 50 quả
  • Mắm nêm: 1 chén
  • Gia vị: tiêu, muối, đường, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn
  • Rau sống: xà lách, rau thơm, giá đỗ, dưa chuột, xoài xanh, ớt tươi, chanh tươi, hành lá, tỏi khô, ớt…
  • Dụng cụ: bếp than, khuôn bánh, tô, bát nhỏ…


Cách làm
Để làm bột bánh căn chuẩn nhất, trước tiên bạn cần đem gạo ngâm với cơm nguội trong vòng một đêm. Sau khi ngâm xong, vo sạch phần nguyên liệu này rồi đem xay thành bột nhuyễn mịn.
Bột sau khi xay xong, bạn để ủ cho bột được mịn. Cứ khoảng 15 – 20 phút, bạn lại quậy bột lên một lần để cho bột no nước đều. Trong lúc này, bạn sẽ đi chuẩn bị các phần nguyên liệu khác.

Hẹ mua về bạn rửa sạch rồi cắt thành từng khúc nhỏ vừa. Chuẩn bị một nồi nước sôi. Nước sôi, bạn cho phần hẹ này vào trần trong nước khoảng 1 phút rồi đổ nhanh ra rổ cho ráo nước. Tiếp theo, nhúng nhanh hẹ qua nước lọc lạnh để giữ được màu xanh tự nhiên.
Sau khi đã có được phần hẹ, bạn đun nóng một lượng dầu vừa phải. Dầu nóng, đổ nhanh dầu vào chén hẹ đã chuẩn bị. Lúc này, bạn sẽ có được phần dầu hẹ với độ giòn, màu xanh và mùi thơm tự nhiên.

Phi thơm phần hành, tỏi và ớt băm nhỏ. Tiếp đến, bạn trút chén mắm nêm vào nấu cho sôi. Khi nước chấm sôi, thêm 1/3 chén nước lọc vào nấu cùng. Cuối cùng, bạn thêm các phần nguyên liệu khác như chanh, đường, tỏi tươi… sao cho hợp khẩu vị.
Ngoài nước chấm mắm nêm, bạn cũng có thể pha nước chấm chua ngọt tuỳ theo sở thích. Để pha nước chấm chua ngọt, bạn sẽ sử dụng đến nước mắm thường, nước lọc, chanh, đường, tỏi, ớt… tuỳ theo khẩu vị.

Rửa sạch tôm, rút bỏ chỉ đen, bóc vỏ rồi băm nhuyễn. Ướp tôm cùng với các loại gia vị như mắm, hạt nêm, bột ngọt, tiêu… trong khoảng 30 phút cho ngấm đều. Ướp xong, bạn viên thịt tôm thành từng viên nhỏ.
Phi thơm một chút hành tỏi và ớt cho dậy mùi. Tiếp theo, bạn cho nước lọc vào và đun sôi. Nước sôi, thả những viên tôm đã làm vào nấu chín. Cuối cùng, bạn vớt ra ngoài và để riêng vào bát chờ ăn kèm với bánh căn.
Đặt phần khuôn bánh lên bếp than hồng từ 3 – 5 phút cho khuôn bánh nóng. Sau đó, bạn dùng cọ phết một lớp dầu ăn lên khuôn để bánh không bị dính khi nướng.
Khuôn bánh sẵn sàng, bạn múc một lượng bột vừa phải đổ vào khuôn rồi đập trứng cút vào cùng. Bạn cũng có thể lựa chọn cách đập và trộn trứng cùng với bột trước đó. Đổ bột vào khuôn xong, bạn đậy nắp lại và nướng cho tới khi ngửi thấy mùi thơm đặc trứng là được.

Thưởng thức bánh căn
Trước hết, bạn sẽ chuẩn bị phần rau gia vị. Phần xoài xanh, dưa leo bạn gọt vỏ rồi thái sợi nhỏ. Phần rau sống bạn đem nhặt và rửa sạch rồi vẩy ráo nước.
Xếp một chiếc bánh căn ra chén. Bỏ một viên tôm thịt đã có cùng với phần dầu hẹ, mắm nêm và thưởng thức cùng các loại rau gia vị. Nên ăn bánh căn khi còn nóng. Có thể chế thêm nước nấu tôm thịt trước đó vào để thưởng thức cùng.
Công thức bánh căn nhà làm thơm ngon, béo ngậy
Chúc các bạn làm được những mẻ bánh căn thật ngon để cùng gia đình và bạn bè thưởng thức trong mùa Đông này nhé!