Đưa một đứa trẻ đến thế giới, bước vào cuộc sống của mình là điều tuyệt vời. Nhưng có một sự thật rằng sự xuất hiện của con cũng sẽ khiến cho mối quan hệ của cha mẹ bước vào chặng đường đầy những thách thức. Cần rất nhiều thời gian và nỗ lực để có thể giải quyết hết những mâu thuẫn, vướng mắc, khó khăn kể từ khi sinh con. Do đó, sinh một đứa con không chỉ là thêm công thêm việc, nặng nhọc những căng thẳng kéo dài mà còn là thêm những xung đột có thể gay gắt giữa các bố mẹ. Đó cũng là lý do mà nhiều người kết luận rằng sinh con họ phải mất đến 5 năm để cân bằng lại cuộc sống, tương đương với khoảng thời gian con đủ lớn để có thể tự lập ở một môi trường mới khi chuẩn bị bước vào cấp tiểu học.
Những ưu tiên của bố mẹ đã không còn điểm chung
Một vài ưu tiên trong cuộc sống cần được cả vợ lẫn chồng có chung tiếng nói. Nếu không thì mối quan hệ của họ sẽ gặp rắc rối. Nó không thể tiến triển tốt đẹp hơn mà ngày một tệ đi. Điều đó sẽ đến khi nhà bạn có thêm một đứa trẻ. Nếu như trước đi vợ chồng gắn với nhau như hình với bóng thì khi có con, người vợ đã là mẹ, cô ấy sẽ gắn với con mình nhiều hơn chồng và đó là ưu tiên số một, hàng đầu, thậm chí duy nhất. Nếu người chồng không thể xem con cái là ưu tiên hàng đầu thì mọi thứ sẽ bắt đầu sụp đổ. Nhưng điều nguy hiểm là nhiều gia đình không nhận ra rằng điều này lại có thể nguy hiểm cho mối quan hệ của họ trong gia đình nhỏ.
Ít có thời gian một mình để nói chuyện và giải quyết mọi việc
Nhiều vướng mắc giữa vợ chồng sẽ được giải quyết nhờ có giao tiếp. Nhưng khi có con, các cặp vợ chồng lại dành rất ít thời gian cho nhau. Một đứa con không chỉ ngốn rất nhiều thời gian của người mẹ mà còn lấy đi cả sức lực và tinh thần của mẹ nữa. Bố mẹ vì vậy càng có ít cơ hội để ngồi riêng với nhau, cùng nói chuyện và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ mâu thuẫn. Vì vậy, như chuỗi mắc xích, những vấn đề chưa được giải quyết sẽ nối tiếp nhau và ngày càng khiến việc tháo gỡ trở nên không thể.
Một trong hai vợ chồng bắt đầu nghĩ mình đang làm việc chăm chỉ hơn những người khác
Không còn là trách nhiệm với chính cuộc đời mình, bây giờ bố mẹ còn phải chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ. Lượng công việc khi chăm con rất nhiều, lại khó khăn, đòi hòi sự hy sinh và tận tụy của người chăm sóc. Song song đó, tất tần tật các hóa đơn hàng tháng cũng cần phải được thanh toán đầy đủ. Chính những điều này đã khiến áp lực của người cha, người mẹ dường như lên đến đỉnh điểm, gây cảm giác quá tải và cuối cùng bùng nổ thành cơn bực bội và cáu gắt. Trong hai vợ chồng, người này có thể cảm thấy mình đang là người phải làm nhiều hơn người kia và thậm chí nhiều hơn cả những người khác mà họ biết.
Xuất hiện những bất đồng về việc nuôi dạy con
Cha và mẹ là hai con người đến từ các gia đình khác nhau và đôi khi còn từ các nền văn hóa vùng miền, quốc gia khác biệt. Họ có những tư tưởng và mục tiêu nhất định trong đầu về cái gọi là lý tưởng giáo dục. Sinh một đứa con làm cha mẹ mâu thuẫn, có thể một trong hai không thích nhà mình lắp đặt ti vi nhưng người còn lại thì nghĩ rằng việc xem ti vi có chừng mực thực sự không gây hại nhiều cho con, thậm chí kích thích con phát triển giác quan. Dù bằng cách nào chăng nữa thì nghiên cứu cho thấy những bất đồng trong việc giáo dục con có thể làm căng thẳng leo thang trong mối quan hệ của bố mẹ.
Bố hoặc mẹ có thể ghen tị với em bé
Mặc dù mối liên kết giữa mẹ và con là điều thiêng liêng và rất tự nhiên nhưng đôi khi nó lại khiến các bà mẹ bị cuốn vào đó. Có con rồi, nhiều bà mẹ xem con là nhất và chồng bị ra rìa. Trong khi đó, các ông bố muốn gắn kết với con thì cần phải có thời gian để nuôi dưỡng mối quan hệ ấy phát triển qua từng ngày. Oái ăm, bố tưởng chừng là người vô tâm vậy thôi nhưng lại chứng kiến tất cả sự quan tâm của vợ mình dành cho con. Đồng thời cũng là “nạn nhân’ bị cho ra rìa khi đứa trẻ xuất hiện trong gia đình. Các nhà khoa học cho rằng điều này sẽ tạo ra sự căng thẳng nhất định, vì cha sẽ bị cô lập và tổn thương khi bị bỏ rơi như vậy. Kết quả là có sự ghen tị không hề nhỏ với chính con của mình.
Ngược lại, nếu cha con bắt đầu gắn bó với nhau như hình với bóng thì chính mẹ sẽ là người cảm nhận được cảm giác bỏ rơi này và bắt đầu thấy ghen tị với con. Nhưng xét cho cùng thì hơn ai hết, trẻ sơ sinh mới là người dễ tổn thương và cần được yêu thương hơn hết phải không bố mẹ.
Thành viên khác trong gia đình có thể gây áp lực lên mối quan hệ
Không ai muốn quay ra ghét người nhà của mình cả. Nhưng khi nhà có thêm thành viên mới thì những người nhà như cô dì, chú bác hoặc an hem họ có thể bắt đầu phán xét và xen vào cách bố mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh. Nếu họ biết điểm dừng thì quá may. Nhưng nếu họ quá tọc mạch, có thể khiến sự việc bị đẩy xa đến mức bố hoặc mẹ đứa trẻ phải bày tỏ sự không tán thành. Kết quả là nó gây ra sự căng thẳng không đáng có trong gia đình và lắm khi dây vào luôn những rắc rối giữa vợ chồng, đặc biệt là nếu mỗi gia đình có các tư tưởng và ưu tiên khác nhau trong việc nuôi dạy con.
Bố mẹ sẽ không còn thời gian để ngủ hoặc có cơ hội để sống cho riêng mình
Mọi người ví một đứa trẻ giống như cái máy nghiền lịch trình của bố mẹ trong thời gian đầu sau sinh và thậm chí kéo dài mãi đến khi trẻ lên 5. Các bé sơ sinh có thể khiến cả bố và mẹ phải trải qua những đêm mất ngủ trường kỳ, phải thay tã ở giữa công viên và trở nên một chú hề mua vui khi con ăn. Những điều này có thể dồn nén qua từng ngày cho đến khi vỡ tung thành những đợt xung đột do căng thẳng vượt mức chịu đựng. Bố mẹ bắt đầu thiếu kiên nhẫn, nảy sinh những hành vi cáu gắt và cãi nhau như cơm bữa. Đây là lý do tại sao các chuyên gia khuyên bố mẹ nên cố gắng thiết lập một lịch trình cho phép bản thân được tạm rời con và tự làm điều gì đó mà bản thân cảm thấy thư giãn hoặc thỏa mãn. Đó là cách giảm căng thẳng và thư giãn tốt nhất. Các nghiên cứu cho thấy rằng điều này sẽ góp phần đem lại hạnh phúc cho các gia đình trong những năm đầu thích nghi và cân bằng lại cuộc sống trong thời gian đầu có con. Ít nhất, việc cha mẹ mất ngủ, căng thẳng vì con còn có thể kéo dài đến lúc con qua 5 tuổi và chuẩn bị cho giai đoạn học tập ngoài môi trường gia đình.
Hormone gây căng thẳng làm nảy sinh hành động mất kiểm soát
Khi mang thai và sinh con, cơ thể sẽ tiết ra hoóc môn khiến người mẹ rơi vào trạng thái rất dễ bị tổn thương. Bất cứ một hành động nào cũng dễ dàng trở nên quá đáng bởi sự cảm nhận lúc này của mẹ đã quá nhạy cảm. Có thể mẹ bắt đầu lo sợ chồng mình sẽ rời bỏ mình và con, có mối quan hệ ngoài luồng hoặc điều gì đó tội tệ tương tự. Chính suy diễn nhạy cảm này khiến mẹ trở nên mất kiểm soát trong cả lời nói và hành động. Nếu sự thật không phải vậy, rõ ràng, người chồng, người cha sẽ thấy mình bị xúc phạm và mối quan hệ vợ chồng vì vậy đổ vỡ trong tiếc nuối.
Nếu ly hôn, con là tấm vé để cả hai không bao giờ ngừng qua lại
Khi vợ chồng trục trặc vì sinh một đứa con, việc chấm dứt mối quan hệ hôn nhân miễn cưỡng càng trở nên khó khăn hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu một trong hai là những người từng chịu tổn thương vì cha mẹ ly hôn trong quá khứ. Thêm vào đó, ngay cả khi cha mẹ đã ly hôn thì vì con, bố mẹ phải miễn cưỡng duy trì mối quan hệ. Điều này với nhiều người thật sự không dễ thở.
Tuy nhiên, nếu vượt qua được 5 năm đầu sóng gió trong cuộc sống gia đình thì các bố mẹ khi nhìn lại những gì đã qua lại càng trân quý hơn gia đình của mình và tìm cách để giữ gìn nó. Vì vậy, chẳng mấy ai coi con cái là nguyên nhân của những đổ vỡ hôn nhân hoặc là gánh nặng mang theo dù nhiều người thỉnh thoảng vẫn bảo “con là của nợ”.
Về vấn đề này, bạn có quan điểm như thế nào? Hãy cùng chia sẻ với các bà mẹ và các ông bố để có thêm những cái nhìn khác về vấn đề này nhé!