Nhà em lâu nay luôn có sẵn các loại gia vị như: hành lá, tỏi gừng,… trong căn bếp mà không cần phải chạy đi mua. Chắc các mẹ nghĩ trồng chúng lích kích, mất công phải không? Không hề ạ! Chúng có thể trồng rất dễ dàng mà không cần hạt giống, vừa đẹp vừa ăn thoải mái, cứ dùng hết lại tự mọc lên.
1. Gừng
Gừng là loại cây gia vị trồng không cần hạt giống dễ nhất, nhanh nhất mà thu được sản phẩm nhiều nhất!
– Đầu tiên hãy để gừng vào nơi ẩm tối cho mọc mầm, nảy nhánh.
– Sau đó đem gieo xuống đất hoặc để trong chậu đất ẩm.
– Tưới nước hằng ngày để gừng nhanh phát triển
– Sau một vài tháng cây sẽ nảy mầm và cho ra những củ gừng tươi thơm ngon.
2. Sả
Đây là một trong những loại cây gia vị trồng không cần hạt giống cực kì tiện lợi.
– Chuẩn bị vài nhánh sả tươi còn gốc, cắt bỏ phần ngọn, ngâm nhánh sả (độ dài khoảng 10 đến 15cm) vào cốc nước hoặc lọ đựng.
– Tiếp theo, đặt cốc sả ở nơi thoáng mát, có ánh sáng mặt trời.
– Sau khoảng 2 ngày, sả bắt đầu ra rễ và rất nhanh, sau 1 tuần sẽ xuất hiện lá.
– Một hai ngày thay nước sạch một lần, khoảng 2 tuần thì nhánh sả sẽ ra đầy đủ rễ và lá thì chuyển qua trồng vào đất để chúng phát triển.
3. Rau mùi
– Rau mùi sau khi đã sử dụng phần thân và lá, bạn hãy trừ lại một đoạn ngắn từ 5 – 6cm còn rễ nguyên vẹn để trồng.
– Sau đó đổ nước sạch vào khoảng 2/3 lọ thủy tinh, sau đó cắm phần gốc ngò rí vào bình rồi đặt ở nơi thoáng mát có ánh nắng mặt trời.
– Mỗi ngày thay nước 1 lần, sau 5 – 7 ngày rễ rau mùi sẽ ra dài khoảng 5 cm thì đem trồng ở chậu đất ( đất tơi xốp có phân bón để cung cấp dinh dưỡng)
– Tưới nước thường xuyên tưới nước vào buổi sáng và nhổ cỏ dại.
– Khi thấy rau mùi mọc cao, nhiều thì có thể thu hoạch được rồi.
4. Hành tây
– Hãy chuẩn bị một củ hành tây tươi, phần gốc có rễ không trầy xước.
– Lấy 1 cái cốc và cho củ hành tây vào sao cho không bị lọt thỏm xuống cũng không bị nhỏ quá để nước không tới được.
– Tiếp theo đổ nước vào cốc sao cho gốc hành ngập xuống nước khoảng 1cm.
– Sau đó để cốc nước có củ hành ra ngoài nơi có nhiều ánh sáng để hành phát triển phần lá và phần rễ cho khỏe khoắn.
– Khoảng 3-4 ngày thay nước 1 lần.
– 7 ngày là có thể cắt phần lá xanh mới mọc để nấu ăn và giữ lại phần gốc trắng lại.
5. Húng quế
– Đầu tiên cắt lấy một đoạn khoảng 7 – 9cm tính từ ngọn trở xuống để lấy phần lá non mới nhú ở đầu.
– Ngắt bỏ các lá phía dưới thấp hơn, chỉ để lại hai lá mầm ở đầu ngọn.
– Đặt cành húng quế vào một bát nước sạch và để ở bậu cửa sổ nhiều nắng trong vài ngày, thay nước thường xuyên. Sau 1 tuần, rễ non bắt đầu nhú ra.
– Chờ thêm đến khi rễ dài, chắc thì đem trồng ra đất. Chỉ sau vài tuần, húng quế sẽ mọc ra nhiều nhánh khác, lúc này có thể thu hoạch được rồi.
6. Tỏi
– Cắt đáy chai nhựa ra (cao khoảng 5-7cm)
– Lấy khoảng 3 củ tỏi khỏe mạnh và không bị sâu, thối, bóc sạch vỏ tỏi và ngâm nước trong khoảng 12 giờ.
– Sau đó xếp tỏi gọn vào đáy chai đã cắt sẵn, xếp phần đầu củ tỏi hướng lên trên.
– Đổ nước vào phần đáy chai đã xếp tỏi ( không nên đổ ngập mà chỉ đổ đến gần đầu để củ dễ mọc mầm)
– Đặt các phần đáy chai đã xếp tỏi ra chỗ thoáng mát và có ánh nắng mặt trời, gần cửa sổ là tốt nhất. Mầm tỏi sẽ nhanh chóng nhú lên rất cao và tốt.
7. Hành lá
– Trước hết, chuẩn bị cây hành lá với thân xanh và gốc trắng dài từ 2-7cm, sau đó cắt phần lá xanh đi để lại gốc trắng.
– Cho phần gốc hành vào trong cốc nước sao cho mực nước đủ để ngập toàn bộ gốc rễ của hành lá
– Sau đó, đặt cốc ở nơi có nhiều ánh sáng nhưng không trực tiếp dưới nắng và thay nước hai ngày một lần.
– Khoảng 7 -14 ngày, hành sẽ mọc mới cao vút, lúc này chỉ cần cắt phần lá trên để sử dụng. Tiếp tục nuôi phần rẽ ở dưới.