Cách làm dừa dầm ngon chuẩn vị, thanh mát giải nhiệt mùa nắng nóng

Cách làm dừa dầm ngon chuẩn vị, thanh mát giải nhiệt mùa nắng nóng

Dừa dầm – món ăn vặt giải nhiệt có sức hút khó cưỡng đối với những tín đồ hảo ngọt. Dừa dầm có sự kết hợp tuyệt vời giữa vị béo ngậy của nước cốt dừa, trân châu dai mềm, thạch dừa và những miếng rau câu mát lạnh. Nhanh tay lưu lại ngay cách làm dừa dầm đơn giản dưới đây nhé! Dừa dầm thanh mát, giòn thơm chắc chắn sẽ là món ăn chơi, tráng miệng tuyệt vời cho cả nhà Hè này đáy.

Cách làm dừa dầm ngon chuẩn vị, thanh mát giải nhiệt mùa nắng nóng

Nguyên liệu

  • Cơm dừa non 50 gr
  • Cùi dừa 50 gr
  • Dừa nạo 50 gr
  • Đậu phộng 20 gr

Thạch rau câu:

  • Bột rau câu dẻo 5 gr
  • Đường trắng 60 gr
  • Sữa tươi không đường 30 ml
  • Nước cốt dừa 30 ml
  • Nước dừa 800 ml

Trân châu dừa:

  • Cùi dừa 100
  • Bột năng 100 gr
  • Nước 100 ml
  • Nước đường 100 ml

Sữa dừa:

  • Nước cốt dừa 150 ml
  • Sữa tươi không đường 100 ml
  • Nước dừa 100 ml
  • Đường trắng 60 gr
  • Sữa đặc 30 ml
  • Bột năng 10 gr
  • Nước 50 ml

Cách làm

Làm thạch rau câu dừa:

Trộn 5gr bột rau câu dẻo với 60gr đường. Cho vào nồi 800ml nước dừa đun lửa lớn, đến khi sôi cho hỗn hợp đường và bột rau câu vào, khuấy liên tục. Khi hỗn hợp sôi, hạ lửa vừa, tay vẫn khuấy liên tục trong 3-4 phút đến khi bột rau câu tan hoàn toàn. Sau đó cho ½ lượng nước rau câu vào khuôn.

Nếu thích ăn dừa dầm với rau câu giòn, bạn thay bột rau câu dẻo bằng rau câu con cá nhé.

Cho 30ml sữa tươi không đường vào 30ml nước cốt dừa khuấy đều. Cho nước sữa dừa vào nồi đựng nước rau câu còn lại, đun lửa vừa, khuấy đều cho tan. Khi lớp rau câu dừa trong khuôn bắt đầu đông nhẹ, đổ từ từ phần rau câu sữa dừa vào khuôn, nhớ đổ nhẹ từ mép khuôn để lớp rau câu trước không bị vỡ. Để nguội cho cả 2 lớp rau câu đông lại sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Để rau câu không bị tách lớp, khi sờ lớp rau câu nước dừa thấy vừa hơi đông thì cho lớp rau câu sữa dừa lên ngay. Không đợi đến khi lớp dưới đông hẳn mới cho lớp trên vào vì như vậy rau câu sẽ bị tách, làm thành phẩm dừa dầm mất thẩm mỹ.

Làm trân châu dừa:

Chọn cùi dừa khô (nhân dày, cứng hơn, khi ăn trân châu sẽ giòn hơn). 100gr cùi dừa rửa sạch, cắt hạt lựu. Cho lần lượt 100ml nước sôi vào 100gr bột năng, trộn đều, nhào bột đến khi tạo thành khối dẻo mịn. Cho nhân dừa vào rồi nặn thành viên tròn nhỏ. Cho vào nồi nước đun sôi đến khi trân châu nổi lên, sau đó cho vào tô nước đường để nguội.

Nếu cùi dừa còn hơi dính vỏ nâu thì dùng dao khéo léo nạo lớp đó ra để khi ăn dừa dầm không bị lẫn vị chát của vỏ. Ngoài dừa dầm, bạn có thể ăn trân châu dừa với nước dừa xiêm lạnh, chè hoặc uống cùng trà trái cây cũng ngon lắm nhé!

Làm sữa dừa:

Cho 10gr bột năng vào 50ml nước khuấy tan. Cho vào nồi 150ml nước cốt dừa, 100ml sữa tươi không đường, 100ml nước dừa, 60gr đường và 30ml sữa đặc. Để lửa vừa và khuấy liên tục đến khi sôi lăn tăn thì cho nước bột năng vào. Đun nóng để nước cốt dừa sánh, mịn rồi tắt bếp chứ không đun sôi quá. Sau đó lọc qua rây để phần nước sữa dừa được mịn.

Có thể cho vào hỗn hợp sữa ít muối rồi khuấy tan đều. Như vậy dừa dầm ăn sẽ ngọt đậm đà hơn.

Cho tất cả nguyên liệu vào ly, một ít cùi dừa, dừa non, thạch rau câu, trân châu dừa, một ít đá nhuyễn, cuối cùng rưới lên một lớp sữa dừa và dừa bào sợi, rắc một lớp đậu phộng cho đẹp mắt. Đậu phộng có thể làm mất mùi thơm của dừa dầm nên cách làm dừa dầm nguyên bản không cho thêm đậu phộng. Tùy theo sở thích mà bạn có thể cho hoặc không cho đậu phộng vào dừa dầm nhé!

Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong ly dừa dầm Hải Phòng ngon tuyệt rồi! Cách làm dừa dầm vô cùng đơn giản và nhanh chóng đúng không? Còn chần chờ gì mà không bắt tay vào bếp làm món dừa dầm để cuối tuần giải nhiệt đi nào!