Xôi là một trong những món ăn ngon, phổ biến tại Việt Nam. Xôi không chỉ là lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng, mà đặc biệt xôi còn là một trong những món không thể thiếu trong mâm cỗ của nhiều gia đình.
Một nồi xôi ngon vô cùng phức tạp, cầu kì và hội đủ các yếu tố như dẻo, mẩy hạt, thơm nhẹ và đặc biệt không bị nhão.
Nếu chưa biết cách nấu được nồi xôi ngon đúng chuẩn, bài viết này sẽ là “bi kíp” tuyệt đỉnh để bạn áp dụng mỗi khi trổ tài cho những người thân yêu thưởng thức.
1. Chọn lựa gạo ngon
Bước đầu tiên của cách đồ xôi ngon thì gạo nếp ngon là phải có mùi thơm dễ chịu, vị ngọt và không lẫn mùi lạ.
2. Ngâm gạo và canh nhiệt độ phù hợp
Việc ngâm gạo cũng quan trọng không kém việc canh nước cho vào nồi xôi đâu nhé! Khác với nấu cơm, xôi được nấu chín bằng việc sử dụng hơi nước. Vì thế, việc ngâm hạt gạo nếp đúng thời điểm là cách giúp hạt xôi dẻo thơm như “chuẩn xôi mẹ nấu”. Tùy theo tính chất hạt gạo, bạn nên ngâm chúng với nước từ 6 đến 8 tiếng là vừa đủ. Nếu ngâm lâu hơn, hạt gạo sẽ bị chua và khi nấu sẽ bở nát mất ngon.
Khi ngâm, bạn nên cho thêm một ít muối. Muối sẽ giúp khử mùi và tạo hương vị đậm đà khi xôi chín tới. Khi nấu, bạn nên để ý tốc độ cháy của lửa. Bạn cho nước vào nấu xôi trước, đợi khi nhiệt độ sôi tăng cao mới bắt đầu đặt chõ lên hấp. Lúc này, nên giữ nhiệt độ ổn định vì nếu tăng cao dễ khiến xôi bị cháy khét còn quá nhỏ sẽ làm xôi bị nhão. Thời gian hấp xôi chuẩn là từ 30 đến 40 phút. Để có nồi xôi ngon đúng điệu, cứ 10 phút bạn mở nắp một lần để lau khô hơi nước trong nồi là được.
3. Canh lượng nước đúng chuẩn
Đây là khâu quan trọng và khó nhất trong việc nấu được một nồi xôi ngon. Xôi dẻo, khê hay sống phụ thuộc khá lớn vào phần nước này. Theo những bà nội trợ lành nghề chia sẻ, lượng nước đổ dưới nồi hấp chỉ nên chiếm khoảng 1/3 dung tích nồi. Cách này giúp lượng nước vừa đủ độ để làm mềm hạt xôi nhưng không quá nhão và nát gây mất thẩm mỹ. Nếu chưa biết cách thực hiện, bạn nên học hỏi mẹo này. Theo đó, khi cho nước vào bạn nên cho vào nồi và đặt lên mặt nước một chiếc đĩa sứ, khi nồi nước có tiếng kêu lạch cạch, đó là dấu hiệu cạn nước, đáy đĩa chạm vào nồi. Lúc này, nếu xôi chưa chín, bạn cần châm thêm nước.
4. Cách đồ xôi ngon
Khi đồ xôi, thường xuyên mở vung, đảo đều xôi. Nhớ đừng gạt gạo nếp bằng mà hãy cho lệch một bên hoặc cho gạo theo vòng quanh nồi, để hở thông hơi lên thì sẽ không bị nhão ở phía dưới. Khi xôi chín, bạn hãy cho ra mâm nhôm để bay hơi, dùng đũa đảo xôi cho tơi hạt và không bị hấp hơi. Khi xôi nguội, cho ra đĩa.
5. Cứu nồi xôi khi chúng có “vấn đề”
Nấu xôi là một công việc đòi hỏi rất nhiều kĩ năng và cả yếu tố nghệ thuật. Chúng buộc bạn vận dụng rất nhiều kiến thức nên nồi xôi thường bị lỗi khi nấu hoàn chỉnh. Nếu chẳng may nồi xôi của bạn bị sống, bạn chỉ cần vẩy nước đều mặt xôi rồi xới lên, sau đó đậy kín nắp và ủ khăn bên ngoài là được.
Đối với xôi mặn, sau khi nấu xong nên cho vào một ít mỡ gà để màu xôi vàng óng và đẹp mắt hơn.
Còn đối với xôi ngọt, bạn chỉ cần cho nước cốt dừa vào là hạt xôi đã béo ngậy hấp dẫn rồi.
Để bảo quản xôi lâu mà không bị hỏng, sau khi nấu chín bạn cho chúng ra mâm và hong khô bằng quạt. Tiếp theo, bạn chỉ cần cho vào hấp một lần nữa là được.
Với các mẹo nấu xôi này, việc nấu xôi vốn phức tạp sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Giờ đây, bạn không cần phải ra hàng quán gì cho tốn kém nữa. Mỗi buổi cuối tuần, bạn có thể nấu cho cả nhà món xôi gà hấp dẫn hay xôi xoài Thái Lan thơm ngất ngây hoặc đơn giản là xôi đỗ xanh mềm dẻo rồi ấy nhỉ. Chúc các bạn thành công!