Mùa vải đã về rồi, bạn đừng quên bỏ túi ngay một vài bí quyết chọn lựa, bảo quản và chế biến món ngon từ loại quả này bạn nhé!
Mùa hè được xem là thiên đường của trái cây nhiệt đới, trong đó có vải. Quả vải là loại trái cây hàng đầu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, phòng chống ung thư, giúp bạn có làn da đẹp và suối tóc óng ả. Không chỉ là một món tráng miệng tươi đơn thuần, vải còn được dùng trong chế biến nhiều ăn món ngon.
Tuy vậy để có thể chọn lựa được những quả vải ngon, bạn có thể tham khảo vài bí quyết dưới đây.
Cách chọn vải ngon
Vải ngon là quả có phần cùi (thịt vải) nhiều nước, thơm, trắng, dày. Để chọn được quả vải như trên, mách bạn là nên chọn những quả căng tròn, vỏ tươi hồng, gai nhẵn.
Nếu mua vải chùm thì nên chọn chùm vải có cành càng dẻo, nhỏ càng tốt. Tránh chọn những cành vải đã khô, vỏ có đốm khô hay gai quá sần sùi. Cũng không nên chọn những quả vỏ mềm, nứt, chảy nước hay có nhiều đốm lỗ trên vỏ.
Khi mua trái vải bạn cũng nên ăn thử để kiểm tra chính xác độ chín của chùm vải sẽ mua. Những lứa vải mà phần hạt bên trong dễ long ra khỏi thịt khi ăn là vải đã chín, dành để ăn ngay rất ngon. Còn với những quả hạt dính chặt với thịt vải là vải chưa chín, còn xanh ăn sẽ không được ngọt và thơm cơm.
Bảo quản vải tươi lâu
Vải ngon nhất là khi vừa chín tới, vì vậy sau khi mua về không nên để quá lâu, vỏ vải sẽ khô nứt, nước bên trong chảy ra, phản ứng với không khí lên men chua sẽ mất ngon và hư.
Muốn bảo quản vải tươi qua ngày, cách tốt nhất là rửa sạch, để ráo và bọc trong một lớp giấy mềm, sau đó bọc kín trong túi nilon và bảo quản trong tủ lạnh. Bằng cách này bạn có thể trữ vải trong một tuần.
Khi rửa vải nên chú ý kiểm tra, loại bỏ những quả bị sâu, hư, chảy nước để không làm ảnh hưởng đến những quả khác.
Nếu không có tủ lạnh bạn nên chọn nơi thoáng mát để bảo quản. Tuy nhiên, vải để bên ngoài sẽ dễ bị khô, làm giảm đáng kể lượng nước và vị ngon của vải. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho vải vào túi zip và bảo quản trong tủ đông cũng được.
Một lưu ý nữa là vỏ quả vải thường chứa nhiều vi khuẩn gây buồn nôn và đau bụng. Vì vậy, khi chọn vải nên chọn những quả vỏ nguyên, không bị nứt, tách. Sau khi mua về nên rửa thật sạch, ngâm muối, để ráo trước khi ăn.
Món ngon với trái vải
Vị ngọt tự nhiên của trái vải đặc biệt thích hợp cho món salad trái cây và các món tráng miệng. Khi chế biến các món tráng miệng, bạn chỉ chỉ cần lột vỏ trái vải, lớp màng bọc, sau đó dùng dao có mũi nhọn khứa nhẹ theo chiều dọc, tách nhẹ lấy hột ra. Tiếp đến rửa lại vải qua nước đun sôi để nguội, để ráo, để tránh cho vải trở chua.
Vải tươi sau khi bỏ hạt có thể sên với 1 ít đường, nấu cùng hạt sen hay ăn cùng thạch, sương sáo, rau câu cùng với đá ngọt mát. Vị thanh mát, ngọt dịu, gion giòn của trái vải khi được kết hợp với các nuyên liệu trên sẽ giúp bạn xua tan nóng bức, mệt mỏi ngày hè. Bạn cũng có thể làm món vải ướp đường bằng cách xếp trái vải vào lọ thủy tinh, đổ nước đường lên cho ngập mặt vải, đậy kín, để qua đêm trong tủ lạnh để nước đường thấm vào vải, thơm giòn.
Ngoài ra, quả vải thơm ngọt, dày cơm còn được dùng trong chế biến các món mặn như: chân gà nấu trái vải, cánh gà nấu khổ qua trái vải, vải nhồi tôm xào bông thiên lý, gà nấu trái vải, chả giò trái vải…
Với món mặn, thay vì hạt nêm, bạn nên nêm muối thay vì hạt nêm để có thể tận dụng tối đa hương vị của trái vải cũng như tạo nên hương vị hài hòa nhất. Theo nhiều đầu bếp, nêm hạt nêm hay nước mắm sẽ khiến cho món ăn có vị lợ, chua, đồng thời dễ gây phản ứng khó chịu ở cổ họng, thậm chí gây chóng mặt khi ăn.