Giấm là nguyên liệu của nhiều món ăn cũng như món ngâm. Để an toàn cũng như đảm bảo về chất lượng, các mẹ có thể dễ dàng nuôi giấm bằng chuối chín
Con giấm thực ra là những con vi khuẩn acetic vô cùng nhỏ bé mà mắt thường không nhìn thấy được, chúng ta chỉ nhìn thấy một bè trắng nổi dày trên mặt hũ dấm khi giấm đã lên men vài tháng. Theo như chúng ta biết thì giấm làm từ chuối chín cùng với đường, nước dừa, rượu bưởi sẽ ra được giấm chua thanh, thơm ngon đấy!
Nguyên liệu
- Chuối chín: 5 trái (Nên chọn những trái chín vừa để giấm đạt độ ngon nhất)
- 1 trái dừa tươi (hoặc Đường cát trắng: 100gr)
- Rượu gạo: 100ml
- Nước sôi để nguội: 5 lít
- Một cái hũ làm giấm có thể tích: 7 lít
Cách làm giấm nuôi bằng chuối
Bước 1: Tạo giấm cái
Cho nước dừa tươi, chuối và rượu vào hũ thủy tinh, châm nước sôi để nguội vào khoảng 8/10 thể tích hũ, đậy nắp, để chỗ thoáng mát, không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp và không xê dịch. Để trong khoảng 45-60 ngày, tùy thời tiết, trên mặt hỗn hợp sẽ kết một lớp men vi sinh nhìn như một lớp váng trắng đục, đó là “con giấm”.
Càng để lâu, con giấm càng dày lên và trở thành trong đục như một con sứa lớn. Khi có con giấm là nước trong hũ bắt đầu trở thành giấm chua, để càng lâu càng chua, canh chừng thời gian, nếm thử thấy độ chua vừa ý, nhẹ tay chiết giấm ra, đừng để con giấm trôi theo bể ra.
Bước 2: Nuôi giấm
Sau khi chiết giấm ra, vẫn để xác chuối và con giấm trong hũ, pha nước đường với công thức: 1 chén đường cát trắng + 6 chén nước lọc, khuấy cho tan đường, châm vào hũ giấm và cũng chỉ châm 8/10 hũ như ban đầu.
Thời gian nước đường thành giấm sẽ nhanh hơn lần đầu tiên và sẽ kết thành một lớp con giấm khác. Khi giấm đã chua, lại chiết ra rồi thêm nước đường vào theo công thức trên.
Bước 3: Gây hũ giấm mới
Cứ mỗi lần lấy giấm ra và châm nước đường vào, sẽ có thêm một lớp con giấm mới, mỏng hơn và lớp con giấm đầu tiên sẽ rất dày.
Phải gây hũ giấm khác khi trong hũ đã phải có kết vài lớp “con giấm” vì những lớp con giấm sẽ dày lên làm choán hết thể tích hũ. Dùng một hũ thủy tinh khác, nhẹ tay sớt một lớp con giấm sang hũ mới rồi châm nước đường theo công thức trên, thời gian sau nước đường trong hũ mới sẽ trở chua thành giấm.
Sau khi gây được hũ giấm thứ ba, vớt bỏ xác chuối ở hũ làm lần đầu.
Bước 4: Lọc lấy thành phẩm giấm nuôi bằng chuối
- Giấm sau khi chiết ra lọc lược cho trong bằng túi vải thưa, có thể dùng được ngay, muốn để dành, nấu sôi giấm lại, để nguội, cho vào chai đậy kín.
- Nếu để lâu mà chưa dùng đến, giấm trong chai sẽ tiếp tục kết màng thành con giấm, hiện tượng này bình thường, giấm sẽ chua hơn và vẫn dùng được.
- Giấm làm bằng chuối có màu trắng trong, hơi đục
Mẹo hay khi nuôi giấm bằng chuối cần nắm rõ
- Để giấm nhanh lên men, hãy đạy nắp hũ bằng vải vì con giấm thích không khí, chúng cần không khí giàu oxi để “thở”.
- Nếu có con giấm sẵn từ trước thì quá trình lên men càng nhanh hơn. Con giấm này có được là do bạn làm lần thứ 2 hoặc xin của những người làm từ trước.
- Ngoài cách sử dụng chuối bạn có thể thêm vào hũ vài miếng thơm (dứa) thật chín sẽ cho ra giấm có mùi thơm của thơm và màu hơi vàng sánh đẹp mắt.
- Giấm nuôi theo cách làm này tuy hơi lâu nhưng luôn đảm bảo được chất lượng do bạn tuyển chọn nguyên liệu đầu vào.
- Lưu ý trong khi làm giấm cũng như giấm đã làm xong, luôn để hũ, chai giấm chỗ thoáng mát, bóng râm không để ra nắng.
Mẹo dân gian giúp chị em bảo quản hũ giấm bằng chuối
Ông bà ngày xưa luôn dặn dò rất kỹ: Không đụng hay mở nắp hũ giấm vào những ngày có chu kỳ kinh nguyệt, theo kinh nghiệm dân gian của các cụ. Nếu các chị em có “đèn đỏ” mở nắp hay chạm vào lọ giấm vào những ngày này, lọ giấm sẽ hỏng, lớp giấm cái sẽ chuyển sang màu sậm, lúc này sẽ không mang lớp giấm cái để làm thêm mẻ sau được nữa. Hiện tại thì khoa học chưa chứng minh điều này, những bản thân mình và một số gia đình bạn bè nuôi giấm cũng đã bị hỏng vài lần do bất cẩn cho các cháu gái “có chu kỳ” động vào, cẩn thận vẫn hơn nhé các chị.
Cách làm nuôi giấm bằng chuối chín rất đơn giản mà thành phẩm đem lại đảm bảo an toàn khi sử dụng. Tương truyền, nuôi giấm trong nhà sẽ làm ăn phát đạt hơn đấy.