Trong mâm cơm gia đình Việt Nam không thể nào thiếu một tô canh nóng nghi ngút khói mà lại vô cùng mát lành khi ăn. Canh như một món ăn bổ sung chất xơ vừa làm mát cơ thể và làm bữa ăn không khô khan. Trong vô vàn những loại canh trong bàn ăn, không thể nào không nhắc đến món canh chua huyền thoại được hầu hết người Việt Nam yêu thích.
Mỗi miền đất nước, tùy theo địa lý, môi trường sinh sống và khẩu vị, món canh chua ba miền Bắc, Trung, Nam có những hương vị đặc trưng khác nhau. Canh chua miền Bắc có vị chua thanh, miền Trung thì lại xen chút vị chát, trong khi miền Nam lại vừa chua chua, cay cay, ngòn ngọt.
Canh chua miền Bắc: Cá diêu hồng nấu riêu
Vị chua của canh chua Miền Bắc phần lớn từ các nguyên liệu được lên men tự nhiên cơm mẻ, giấm bỗng, giấm nuôi. Món canh chua nổi tiếng nhất là riêu. Riêu cua hay riêu ốc nấu với giấm bỗng rượu nếp mang đến vị thanh, nước trong vắt và hương thơm dậy mùi thơm nức. Riêu cá đi cùng cơm mẻ, nước sẽ đục váng nhưng vị chua lại dịu dàng hơn và mùi thơm cũng đặc biệt hơn.
Món cá diêu hồng riêu cua là món ăn vô cùng quen thuộc của miền Bắc. Độ chua trong canh có thể lấy từ cơm mẻ nhưng cũng có thể từ những trái sấu thân quen Hà Nội. Canh mang đến hương thơm dễ chịu khiến mùa hè Hà Nội thêm thanh mát, mùa đông lại ấm lòng.
Nguyên liệu:
- 100 gr hành lá
- 100 gr thì là
- 2 trái cà chua
- 500 gr cá diêu hồng
- 1/3 chén cơm mẻ
- 1 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng cà phê hạt nêm
- 1 muỗng cà phê đường trắng
- 1/2 muỗng cà phê tiêu
Cách làm:
Hành lá và thì là rửa sạch, cắt khúc khoảng 1 đốt ngón tay. Cà chua rửa sạch, cắt múi cau mỏng.
Cá diêu hồng làm sạch vảy, bỏ ruột, rửa sạch, để ráo nước. Cho cơm mẻ ra tô pha khoảng 3 chén nước, khuấy đều, lọc qua rây, bỏ bã.
Bắc nồi nước lọc cơm mẻ lên bếp, nêm nếm gia vị muối, hạt nêm, đường trắng vào nêm vừa miệng, nấu sôi. Khi nước gần sôi, cho cà chua vào.
Tiếp theo, cho cá diêu hồng vào, nấu thêm khoảng 20 phút để cá chín hẳn. Rắc hành lá, thì là, tiêu vào rồi tắt bếp.
Vớt cá diêu hồng để riêng, canh riêng, cá mà chấm cùng mắm ớt thì ngất ngây. Có thể ăn cùng cơm, bún hoặc cuốn cùng bánh tráng đều được.
Canh chua miền Trung: Hến nấu khế
Do địa hình miền Trung gần biển và tính tình ưa đơn giản của con người miền Trung nên món canh chua miền Trung cũng giản dị như vậy. Họ tận dụng những nguyên liệu mà biển cả miền Trung mang lại để tạo nên những món canh chua quen thuộc. Thường trong canh chua sẽ sử dụng vị chua của trái cây nhiều hơn như lá me, khế, thơm và nhất là phải có vị chát để lấn át đi bớt mùi tanh của hải sản. Chỉ vài con tép hoặc vài con hến đã làm nên một nồi canh chua đậm hương vị miền Trung.
Nguyên liệu:
- 1 kg hến
- 2 trái cà chua
- 2 trái khế
- 20 ml nước cốt me
- 2 nhánh hành lá
- 2 lát gừng
- 1 cây thì là
- 1 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng canh đường trắng
- 1 muỗng cà phê bột ngọt
- 1 muỗng cà phê hành tím băm
- 1 muỗng cà phê hạt nêm
- 1 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng cà phê nước mắm
Cách làm:
Hến mua về đem ngâm nước có cắt vài lát ớt cho hến nhả sạch cát. Sau đó trà rửa sạch vỏ. Đun sôi một nồi nước rồi thả hến vào, dùng đũa quấy nhanh tay cho đền khi hến mở hết miệng, luộc hến tróc khỏi vỏ thì nhấc nồi hến xuống.
Khế rửa sạch, cắt lát theo chiều ngang. Cà chua cắt múi cau. Hành lá và thì là cắt nhỏ. Gừng cắt sợi nhỏ.
Phi thơm hành tím băm và gừng với 1 muỗng canh dầu ăn rồi cho 1/2 chỗ cà chua vào xào cho cà chua chín mềm. Dùng muỗng dằm nát cà chua rồi cho thịt hến và 1 muỗng cà phê nước mắm vào, xào qua.
Lọc lấy nước luộc hến cho vào nồi. Đun sôi nước cho khế và 20ml nước cốt me vào. Đun sôi tiếp trong vòng 1 phút thì thả chỗ cà chua còn lại vào nồi.
Sau đó, cho hành lá và thì là vào, thêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, 2/3 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh đường và 1 muỗng cà phê bột ngọt vào, khuấy đều rồi tắt bếp.
Múc canh ra tô và thưởng thức thôi.
Canh chua Nam Bộ: Canh cá lóc
Tô canh chua Nam Bộ luôn đầy ắp thể hiện sự trù phú mà vùng đất này mang lại. Vị chua của ẩm thực Nam bộ được tạo ra từ các sản vật phong phú của vùng đất này như là cà chua, khóm, me, khế, chùm ruột, chanh, trái giác, bần…Để kiềm nén lại vị chua tươi mới từ các loại trái cây đó, người ta thường nên thêm đường. Vị đặc trưng của canh chua Nam Bộ là chua chua, ngọt ngọt và vị cay của ớt tươi. Từ nồi canh chua, người dân Nam bộ phát triển thành món lẩu chua, cốt yếu là để ăn được với nhiều rau hơn như rau đắng, so đũa, kèo nèo, bắp chuối, rau ngổ, rau nhút, bạc hà…
Nguyên liệu:
- 400 gr cá lóc
- 2 cây bạc hà
- 2 trái cà chua
- 15 trái đậu bắp
- 4 trái khóm
- 100 gr giá đỗ
- 50 gr me
- 1 nhánh cần tây
- 1 cây ngò gai
- 3 cây ngò om
- 1 muỗng cà phê hành tím băm
- 1 muỗng cà phê tỏi băm
- 2 muỗng canh nước mắm
- 2 muỗng canh đường trắng
- 1 muỗng canh hạt nêm
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng canh dầu ăn
Cách làm:
Cá lóc làm sạch, cắt khoanh tròn, nấu một nồi nước sôi thêm vào một ít muối, thả cá vào nấu chín, gắp ra đĩa để riêng.
Me chua cho vào chén, thêm một ít nước sôi, chần cho me tan, lọc bỏ hạt, giữ lại phần nước cốt me. Cà chua rửa sạch, cắt múi cau. Cần tây, ngò gai và ngò om rửa sạch, cắt nhỏ.
Giá đỗ rửa sạch, để ráo. Thơm gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát vừa ăn. Bạc hà tước vỏ, rửa sạch rồi cắt lát nhỏ. Đậu bắp rửa sạch, cắt nhỏ.
Phi thơm hành tím băn và tỏi băm với 1 muỗng canh dầu ăn rồi cho cà chua vào, đảo đều khoảng 2 phút thì cho thơm vào xào cùng.
Thêm vào nồi cà chua khoảng 1 lít nước lọc, đun sôi thì cho nước cốt me vào đun cùng, nêm 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh hạt nêm, 1.5 muỗng canh đường.
Cho đậu bắp, cần tây vào đun cùng, đun khoảng 3 phút thì cho tiếp giá đỗ, bạc hà, thêm vào 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê bột ngọt, cho cá vào đun cùng đến khi sôi lại thì tắt bếp.
Múc canh ra tô, rắc thêm ngò gai và ngò om lên trên là có thể dùng.
Mỗi món canh chua mỗi miền đều có hương vị riêng nhưng món nào cũng thật thơm ngon và đặc sắc. Không những bạn chỉ nấu những món canh của vùng miền mình mà hãy thử sức với những món canh chua khác, bạn sẽ thấy ẩm thực Việt Nam thật kỳ diệu.
Chúc các bạn thành công!