Kho quẹt từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình của gia đình Việt, đặc biệt là người dân Nam Bộ. Nếu bạn là người yêu thích kho quẹt nhưng làm mãi vẫn chưa ngon, hãy cùng bài viết sau tìm hiểu về món ăn này, cũng như những tiêu chí quyết định sự thành công của món kho quẹt nhé!
Nguồn gốc của kho quẹt – Đặc sản lâu đời của người dân Nam bộ
Khởi nguồn món kho quẹt là món ăn dành cho người nghèo, đặc biệt là người dân Nam bộ. Ngày xưa khi ở nhà không còn gì để ăn, chỉ có ít nước mắm, tóp mỡ, người ta chế biến bằng cách nấu trên nồi đất, thêm tí đường kho cho kẹo lại là có ngay món ăn ngon lành, đủ cho cả nhà chục người ăn.
Món ăn này dần “sang chảnh” hơn, xuất hiện trong các nhà hàng. Ngày nay, cách chế biến, nguyên liệu dần phong phú hơn như tôm khô, thịt ba chỉ,… Tuy nhiên cách chế biến vẫn giữ nguyên như ban đầu và đặc biệt, kho quẹt phải kho nồi đất mới đúng điệu Nam bộ.
Những tiêu chí quyết định sự thành công của niêu kho quẹt
1. Niêu đất – càng nấu càng ngon
Bí quyết đầu tiên để có món kho quẹt ngon chính là Niêu đất. Dùng niêu đất khi kho sẽ làm món ăn ngon hơn so với nồi kim loại. Lý do cho việc này là nồi đất có tính giữ nhiệt lâu, có thể giữ cho món ăn được nóng lâu, ngay cả khi nhấc khỏi bếp. Ngoài ra, kho bằng niêu đất sẽ không làm ảnh hưởng mùi vị món ăn bởi những chất xúc tác có trong nồi kim loại.
2. Chọn nước mắm ngon để niêu kho quẹt có vị vừa phải
Để có một niêu nước mắm ngon lành và bổ dưỡng, hãy chọn loại nước mắm có vị mặn vừa phải. Đây là thành phần chính tạo nên hương vị của món ăn, chọn sai có thể gây ảnh hưởng đến thành phẩm.
Loại nước mắm lý tưởng chính là nước mắm truyền thống có độ đạm vừa phải. Nếu không mua được nước mắm truyền thống, bạn có thể thay thế bằng các loại nước mắm ngon có ở thị trường như Nam Ngư Đệ Nhất, nước mắm nhĩ Phú Quốc,… Khi nấu sẽ có mùi thơm, ăn có hậu ngọt dịu. Không nên sử dụng các loại nước mắm pha sẵn vì có thể làm ảnh hưởng đến mùi vị món ăn.
3. Thịt ba rọi hoặc mỡ heo là thành phần tạo nên vị béo cho món kho quẹt
Niêu kho quẹt sẽ thật tuyệt vời nếu như có thêm chút vị béo của mỡ heo, có thể chọn loại mỡ trắng có chút thịt, ngon nhất là phần mỡ lóc trên lưng, da thẳng, khi chiên sẽ giòn và ngon.
Nếu bạn không thích mỡ heo, có thể dùng thịt ba chỉ để giảm bớt lượng mỡ. Phần thịt ba chỉ ngon sẽ có 3 lớp da-mỡ-thịt gần bằng nhau. Thịt mua về rửa sạch, cắt thành hình con cờ nhỏ, khi đảo trên bếp, thịt sẽ teo lại vừa ăn.
4. Thêm ít tôm khô để tạo độ ngọt, dậy mùi món ăn
Tôm khô khi làm kho quẹt sẽ có vị dai, giòn, sần sật ngon ngọt tự nhiên. Tuy nhiên cần cẩn thận chọn lựa kỹ vì hiện tại ở thị trường có khá nhiều cơ sở bán tôm khô với đa dạng nguồn hàng. Dưới đây là một số bí quyết chọn tôm khô ngon.
Chọn lựa loại không ngâm hóa chất. Màu sắc tôm khô không ngâm thường có màu không đều giữa các phần thịt tôm (nếu con tôm các phần thịt đều giống màu nhau là đã sử dụng qua phẩm nhuộm).
Chọn tôm khô loại khô ráo, không bị ẩm. Tôm khô muốn giữ được lâu phải bảo quản trong môi trường khô ráo, mẹo nhỏ để chọn tôm khô ngon là có thể dùng tay để sờ thử, nếu có cảm giác ẩm ướt, rin rít thì tôm khô đã dính nước, có thể đã mốc.
5. Tiêu sọ, hành tím, tỏi và những gia vị không thể thiếu cho món kho quẹt
Tiêu sọ: là thành phần không thể không có để chế biến một niêu kho quẹt ngon. Hạt tiêu sọ có mùi thơm đặc trưng, cay cay làm tròn vị món kho quẹt đúng chuẩn Nam bộ. Nên lựa chọn hạt tiêu sọ có màu trắng ngà (loại có màu trắng tươi có thể đã tẩm qua hóa chất).
Tiêu sọ ngon khi ngửi thử có mùi thơm thoang thoảng, cắn vào sẽ có mùi thơm, cay kéo dài trong cuống họng. Dùng tay xốc thử không có cảm giác dính, bề mặt nhiều vân. Tránh loại tiêu có mùi hăng hắc.
Đường phèn: Chắc hẳn không có đường thì món kho quẹt không thể kẹo lại rồi. Hãy chọn đường phèn để có vị ngọt thanh, dịu nhẹ, không gắt ở cuống họng so với những loại đường khác. Đây cũng là một trong những bí quyết số một để có món kho quẹt ngon.