Bạn đã biết cách làm ra mẹt bún đậu mắm tôm gia truyền đúng chuẩn như chú Út trong Gạo nếp gạo tẻ chưa? Nếu chưa, bài viết này là dành cho bạn đấy!
Nếu là một fan cứng của bộ phim truyền hình Gạo nếp gạo tẻ, chắc chắn bạn sẽ biết đến món bún đậu mắm tôm. Món ăn của bà nội luôn hiện diện trên bàn thờ trong ngày giỗ ông, món ăn giúp chú Út lập nghiệp rồi cưới vợ và giúp Minh lấy điểm trong mắt bố chồng. Nhiều người thường nghĩ bún đậu mắm tôm là món khá đơn giản nhưng nếu là người sành ăn, bạn sẽ hiểu được rằng để có hương vị chuẩn miền Bắc không phải là một điều dễ dàng, thậm chí rất khó.
Bạn biết gì về “bún đậu mắm tôm”?
Không có một thông tin nào chính xác về nguồn gốc của món bún đậu mắm tôm, chỉ biết nó đã có từ lâu đời, theo chân người Hà Thành qua nhiều thế hệ.
Bún đậu tầm 10 năm về trước là một món quán gánh và phổ biến ở miền Bắc. Chỉ cần một cái gánh nhỏ, một chảo dầu sôi và mấy cái ghế bên ven đường là đã có thể làm ra những mẹt bún đậu ngon lành. Một mẹt bún ngày xưa thường chỉ đơn giản có bún lá, đậu chiên, rau sống và một chén mắm tôm thơm nồng cả con phố.
Những năm gần đây, bún đậu mắm tôm Nam tiến. Những quán và nhà hàng bún đậu mọc lên không ngừng. Bún đậu mắm tôm được biến hóa đa dạng hơn với chân giò luộc, dồi lợn, lòng lợn luộc, chả cốm, nem chua rán,… Tuy nhiên rất khó có thể tìm được hương vị nào đúng chuẩn.
8 thành phần làm nên một mẹt bún đậu chuẩn ngon
1. Bún lá – Loại bún thủ công cầu kỳ, dẻo dai và thơm mùi gạo mới
Bún lá – một loại bún Việt truyền thống nhìn chừng đơn giản nhưng rất cầu kỳ, bún phải trắng đục màu gạo, thơm và dẻo dai. Gạo làm bún thường là loại gạo thơm như gạo lài sữa, nàng thơm Chợ Đào,…ngâm mềm qua đêm rồi đem đi xay thật nhuyễn. Lóng lấy phần bột lắng tử 3 đến 4 lần cho bột thật dai.
Khi lấy được phần bột gạo ưng ý, người ta khuấy bột trên bếp nóng thật khéo léo để bột nhồi thành cục. Sau đó, bột được ép thành những sợi mảnh, luộc qua nước sối rồi trụng trong nước lạnh. Bún được ủ trong lá chuối xanh theo dạng sợi hoặc cho vào khay, nén chặt trong nhiều giờ để bún định hình, sau đó cắt theo hình dạng mong muốn.
2. Đậu rán – Đậu hủ non vỏ vàng rụm và phần lõi như tan chảy
Thành phần thứ 2 không thể nào thiếu là đậu hủ rán. Ở quán bún đậu gia truyền lâu đời, người ta thường tự mình làm đậu để đậu được tươi ngon, thơm và mịn màng.
Đậu hủ để ăn cùng bún đậu mắm tôm nhất định phải là đậu hủ non mềm, nếu mạnh tay tưởng chừng như vỡ ngay.
Đậu được cho vào chảo dầu sôi già, chiên lửa lớn nhanh vàng và phồng giòn. Phần lõi bên trong như mọng nước, mềm mại như tan trên đầu lưỡi. Món bún đậu thường được phục vụ ngay sau khi đậu rán xong để đậu hủ còn giữ được độ nóng giòn và thơm hương nành. Bởi thế mới nói, bún đậu mắm tôm là món ăn rất thích hơp vào mùa đông.
3. Chân giò luộc – Giò lợn bó luộc vừa chín mềm dai béo ngậy
Chân giò lợn là nguyên liệu vừa có phần thịt hồng hào, mềm mại, vừa có phần gân mỡ và da giòn dai.
Chân giò rút xương, bó thành hình trụ và cố định bằng dây chỉ, đem luộc vừa chín tới để thịt không khô, lại có màu đẹp mắt. Khi ăn, người ta thái thành từng khoanh tròn mỏng nhìn hấp dẫn vô cùng.
4. Chả cốm – Dẻo thơm vị thu Hà Nội
Chỉ có mẹt bún đậu mùa thu Hà Nội mới may mắn có được những lát chả cốm thơm lừng dẻo mịn. Cùng với mùa cốm xanh Hà Nội, mẹ bún đậu được nâng tầm bằng những miếng chả rán ngất ngây.
Chả dai giòn sần sật, thi thoảng lại nhấm nháp trúng một hạt cốm dẻo xanh như mọng nước, tỏa hương thơm ngát trong miệng.
Thịt heo bằm được trộn với giò sống và cốm dẹp, nêm nếm vừa ăn, nặn thành từng miếng nhỏ, rán vàng. Những món ngon miền Bắc như sinh ra đã dành cho nhau. Cũng vì thế mà chả cốm chấm mắm tôm vô cùng hòa hợp.
5. Nem chua rán – Cặp bài trùng cùng chả cốm
Nem chua rán là món ăn khoái khẩu của người Hà Nội, thường được ăn kèm tương ớt như một món ăn vặt. Nam chua rán xù được tô điểm thêm cho mẹt bún đậu thêm phong phú. Nem chua rán đi cùng chả cốm như một cặp bài trùng có một không hai.
Làm nem chua rán cũng không hề khó, chỉ cần khéo léo trộn các nguyên liệu lại với nhau, nắn thanh vừa ăn, cho vào tủ lạnh 2 tiếng và lăn qua bột xù trước khi chiên là đã có một đĩa nem chua rán thơm ngon.
6. Lòng lợn luộc – Làm phong phú mẹt bún đậu truyền thống
Lòng lợn là một biến tấu khác của món bún đậu. Người Hà Nội rất yêu thích món lòng lợn luộc hoặc rán chấm cùng mắm tôm. Vì thế, kết hợp chúng trên mẹt bún đậu là một ý tưởng tuyệt vời.
Lòng lợn luộc với cách làm đơn giản lại làm nâng món bún đậu thêm phần hoành tráng hơn.
7. Mắm tôm – Linh hồn món bún đậu mắm tôm
Mắm tôm đúng chuẩn có màu tím hồng, hương thơm nồng. Khi ăn cần được pha chế để vừa vị hơn.
Thông thường, mắm tôm được pha loãng cùng ít hành tỏi phi, đường, mì chính và ớt. Khi ăn, người ta thêm chút dầu sôi chiên đậu, vắt cùng chút nước hạnh. Khuấy đều sẽ thấy một lớp bọt trắng ngần hấp dẫn nổi lên, vừa vị mặn ngọt chua cay vô cùng hấp dẫn.
8. Những loại rau ăn kèm – Làm dậy hương thơm thuần túy của món bún đậu
Thứ gia vị cuối cùng là những loại rau sống ăn kèm vừa chống ngán vừa làm dậy lên hương vị tuyệt vời của món bún đậu mắm tôm.
Những loại rau thường dùng là tía tô, kinh giới, rau thơm (bạc hà), cải xanh, dưa leo, húng quế,…
Mẹt bún đậu mắm tôm đúng chuẩn gia truyền hệt như chú Út “Gạo nếp gạo tẻ” đã trong tầm tay bạn. Thử ngay khi có thời gian rãnh rỗi để thử thách tay nghề nhé. Chúc bạn thành công!