Việc cho mì thả vào nồi nước sôi mà chúng ta vẫn thường làm là không đúng, điều này làm mì không dai lại nhanh nát. Bạn cần phải nắm được bí kíp dưới đây để sợi mì mềm, dai và không bị nát nhé.
Thông thường, mọi người sẽ luộc mì theo các bước như sau: Đun sôi nước, cho mì vào, luộc trong vòng vài phút rồi vớt ra. Tuy nhiên có lẽ bạn không biết rằng luộc mì trực tiếp với nước đang sôi sùng sục là điều tối kỵ. Ngược lại, cũng không thể cho mì vào ngay cùng với nước lạnh. Cả hai cách này đều ảnh hưởng đến độ dai ngon của sợi mì.
Vì sao không luộc mì với nước sôi hay nước lạnh?
Cả nước sôi và nước lạnh đều không phải là nhiệt độ lý tưởng để cho mì vào luộc. Nếu bạn để ngay vào nước lạnh khi luộc, các sợi mì sẽ dính vào nhau. Tuy nhiên, nếu bạn để nước sôi mới cho mì vào, sợi mì sẽ dễ bị nát, không giữ được độ dai.
Vậy luộc mì ở nhiệt độ nào là lý tưởng?
Nhiệt độ thích hợp nhất để bạn cho mì vào luộc là nấu nước đến tầm khoảng 80 độ C. Tức là lúc nước đang sủi bọt, nhưng chưa sôi. Đây là thời điểm tối ưu để luộc mì. Ở nhiệt độ này sợi mì không bị dính vào nhau, tạo được độ dai, mềm mà không nát.
Luộc mì trong bao lâu?
Thời gian luộc tùy vào từng loại khác nhau. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất và thực hiện. Không nên luộc thời gian ngắn hơn hướng dẫn vì mì bị cứng, nhưng cũng không nên luộc quá nhừ vì mì sẽ mất độ dai.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý về lượng nước. Lượng nước nên nhiều ít nhất gấp 4 lần lượng mì, bởi khi chín mì sẽ nở ra rất nhiều. Quá ít nước sẽ khiến mì dễ bị sát đáy nồi, gây nhũn nhão hoặc cháy.
Thêm vào một chút muối
Muối luôn là gia vị lý tưởng cho các món luộc, ngay cả mì luộc. Sau khi cho mì vào dùng đũa khuấy nhẹ cho các sợi mì tách rời nhau ra. Sau đó, bạn cho thêm một ít muối.
Muối có nhiều tác dụng khi luộc mì, trước hết chúng giúp sợi mì đậm đà hơn. Sau này, khi bạn chế biến bất kỳ món ăn nào cũng không lo sợ mì nhạt. Bên cạnh đó, muối còn giúp sợi mì dai hơn. Ngoài ra, một công dụng khác của muối là hạn chế tình trạng nước luộc mì bị tràn ra ngoài khi sôi quá mạnh.
Cho thêm nước lạnh
Khi cho mì vào luộc vài phút, bạn nên cho thêm một ít nước lạnh vào để hạn chế tình trạng mì bị dính hoặc quá nhão. Sau đó, bạn tiếp tục đậy vung và đun sôi lần thứ 2 thì tắt bếp, hoặc đun với khoảng thời gian theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sau khi luộc chín, bạn vẫn cần thêm một công đoạn quan trọng nữa là chuẩn bị một tô nước lạnh, vớt mì ra và cho vào tô nước này. Đây là khâu giúp cho sợi mì hoàn toàn tách rời, ngăn chúng vón cục hoặc bết lại với nhau. Chỉ đến công đoạn này, bạn mới có thể vớt ra đĩa và chế biến thành những món ăn ưa thích nhé.
Trên đây là bí quyết luộc mì dai ngon bạn cần lưu ý. Không cho thẳng vào nước lạnh, cũng không cho vào nước sôi. Khi nồi nước sủi tăm là lúc thích hợp nhất để luộc mì, bạn nhớ nhé.