Có những mẹo này, dù đi giày cao gót cả ngày cũng không bị đau chân, thậm chí còn giữ giày dép như mới. Giày thể thao cũng chẳng bị ố vàng sau thời gian dài sử dụng
Mang giày là thói quen của hầu hết các cô gái. Tuy nhiên, làm sao để không bị đau chân, đi thoải mái lại giữ giày như mới thì không phải ai cũng biết. Những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề trên.
1. Dùng đá lạnh nới rộng giày chật
Chẳng may giày mua về bị chật, lệch khoảng 1 cỡ, bạn có thể nới rộng bằng cách đổ đầy nước vào 2 túi zip. Sau đó kéo khóa chặt, nhét chúng vào 2 chiếc giày và để lên ngăn đá tới khi nước đông cứng. Túi nước đá phình ra sẽ làm giãn giày, khiến giày rộng hơn và bạn có thể mang vào chân vừa vặn.
2. Băng cá nhân giảm đau chân khi đi giày cao gót
Để giảm đau chân, sưng tấy chân vì giày cao gót, các cô gái hãy lấy miếng băng dán vết thương quấn vào ngón chân giữa và ngón bên cạnh hoặc có thể băng 3 ngón chân giữa sẽ giúp giảm áp lực tác động lên trên. Như vậy, khi đi giày, bạn sẽ không bị da giày cứa vào chân hay ma sát mạnh làm chân bị sưng.
3. Tẩy vết bẩn trên giày trắng bằng giấm
Giày trắng đi mưa hoặc bắt bụi, bị bẩn, chỉ cần dùng miếng khăn xô hoặc vải mỏng thấm ướt giấm trắng rồi chà mạnh lên bề mặt vài phút là sẽ bị mờ. Sau đó, bạn đem giặt giày phơi khô là giày sẽ trắng như mới.
4. Xóa vết dầu mỡ bằng dầu gội đầu
Dầu mỡ là một trong những loại vết bẩn “khó trị”, “cứng đầu” bậc nhất. Nếu bị dầu mỡ bắn lên giày, hãy trộn ngay nước nóng với ½ thìa dầu gội đầu thông thường, xong bạn nhúng bàn chải đánh răng vào hỗn hợp này rồi chà mạnh lên bề mặt 3 – 5 phút. Sau đó, bạn chỉ cần giặt lại bằng nước thường và bột giặt rồi đem phơi khô là xong.
5. Làm khô giày bằng khăn giấy
Những ngày mưa, ẩm, để giày khô nhanh và không bị hôi do thiếu nắng, các cô gái cứ nhét giấy ăn vào bên trong giày. Khi giấy ăn hút nước cũng là lúc hút bớt chất bẩn. Sau lớp giấy thứ nhất, bạn lại lấy ra và nhét tiếp lớp giấy sạch vào trong, cách này giúp giày khô nhanh và sạch hơn rõ rệt.
6. Dùng phấn rôm khử mùi hôi
Không những khử được mùi hôi, phấn rôm còn bảo vệ chân khỏi vi khuẩn gây ngứa, nấm chân. Bạn chỉ cần rắc phấn rôm vào trong giày trước khi mang sẽ không lo bị mùi khó chịu.
7. Trị sưng chân do đi giày bằng túi trà
Mang giày cả ngày dễ bị đau chân, phồng rộp, bạn hãy làm dịu chân bằng cách thả 3 – 4 túi lọc trà vào chậu nước ấm rồi ngâm chân 20 – 30 phút. Cách này sẽ giúp vết sưng tiêu biến, nước ấm còn điều hòa máu lưu thông tốt, khiến chân dễ chịu hơn.
8. Giảm ma sát giày bằng giấy nhám
Giày mới mua thường dễ bị trơn trượt do đế còn mới, vào mùa mưa có thể khiến bạn bị trượt ngã. Bởi vậy, sau khi mua về, bạn hãy lấy miếng giấy nhám cọ vào phần đế giày 3 – 5 phút để tăng độ ma sát, giúp đế giày bám chắc hơn.
9. Dùng sơn móng tay che vết xước giày
Nếu giày có vết xước, đặc biệt là vết xước trên giày trắng thì hãy dùng sơn móng tay quệt lên vài lớp. Cách này giúp bạn “tân trang” giày như mới .
10. Giảm tiếng kêu nhờ phấn rôm
Hãy rắc phấn rôm vào dưới miếng lót giày trước khi mang để làm giảm tiếng kêu khó chịu, giúp bạn đi giày êm ái hơn nhé!
11. Dùng sáp ong tránh làm ướt giày
Mùa mưa, mang giày vải rất dễ khiến giày bị thấm ướt, sũng nước. Muốn cải thiện tình trạng này, trước lúc đi giày bạn hãy thoa lớp sáp ong mỏng lên bề mặt.
12. Làm mới giày bằng kiểu thắt dây mới
Muốn giày thể thao trông mới mẻ hơn, hãy thử thay đổi kiểu thắt dây mới. Mẹo này vừa giúp F5 đôi giày cũ vừa khiến bạn mang lên chân dễ dàng, thoải mái hơn.
13. Mua giày vào buổi chiều
Tránh mua giày vào buổi sáng nếu bạn không muốn bị lệch size. Nên mua giày vào buổi chiều vì lúc này, bàn chân thường to hơn so với buổi sáng. Nếu mua vào buổi sáng, rất có thể bạn sẽ bị chật khi mang giày do kích cỡ chân có chút thay đổi.