6 loại bánh mặn truyền thống siêu dễ làm của Việt Nam mà bạn có thể trổ tài tại nhà

6 loại bánh mặn truyền thống siêu dễ làm của Việt Nam mà bạn có thể trổ tài tại nhà

Tuổi thơ của bạn gắn liền với món bánh trên những chiếc quai gánh nào: Bánh xèo, bánh bột lọc, bánh ít trần hay bánh bèo? Đây là những loại bánh mộc mạc như chính tên gọi của mình. Những loại bánh đã làm nên một nền văn hóa ẩm thực truyền thống của từng địa danh nói riêng và Việt nam nói chung. Đặc biệt, những loại bánh này rất dễ dàng thực hiện với nguyên liệu có sẵn xung quanh chúng ta. Vậy tại sao chúng ta không thử bắt tay vào làm một bữa ăn với những loại bánh truyền thống để chiêu đãi gia đình, bạn bè một bữa thịnh soạn?

6 loại bánh mặn truyền thống siêu dễ làm của Việt Nam mà bạn có thể trổ tài tại nhà
1. Bánh xèo
Bánh xèo, tên gọi này có khiến bạn hình dung ra một hình ảnh, một âm thanh nào không? Đó chính là tiếng “xèo xèo” khi đổ một giá bột bánh xèo vào chảo mỡ đang nóng đấy. Không biết có phải vì thế mà người ta đặt tên cho nó là bánh xèo hay không nhỉ? Tùy theo sở thích và đặc điểm tự nhiên của từng vùng mà mỗi nơi có cách chế biến bánh xèo khác nhau. Tuy nhiên, thành phần cơ bản của bánh vẫn không thay đổi, vẫn là những thứ rất đỗi bình dị như bột, thịt ba rọi, tôm tép, cà rốt, nấm, giá…Khác nhau có chăng là hình thức và vị của bánh mà thôi.
Nguyên liệu:

  • 300gr thịt ba chỉ
  • 200gr tôm tươi
  • 400gr bột bánh xèo
  • 200ml nước cốt dừa
  • Vài nhánh hành lá
  • 300gr giá đỗ
  • 200gr đậu xanh không vỏ
  • 1 củ hành tây
  • 1 củ cà rốt
  • 50 ml dầu ăn
  • 1/2 muỗng cà phê bột nghệ

Cách làm:
Trộn đều bột bánh xèo với 700ml nước, 200ml nước cốt dừa, 1/2 muỗng cà phê bột nghệ và một ít hành lá cắt nhỏ.
Thịt heo luộc chín cắt hình que nhỏ hoặc lát mỏng. Tôm luộc chín. Đậu xanh hấp chín. Hành tây xào với ít gia vị cho mềm. Cà rốt bào sợi, bóp với muối cho dịu rồi xả sạch.
Sau khi chuẩn bị xong, chúng ta tiến hành đổ bánh xèo. Dùng cọ quét 1 lớp dầu lên chảo chống dính (tốt nhất là chảo có lòng sâu). Hoặc thông thường, người ta chuẩn bị một miếng mỡ lợn to. Trước khi cho bột vào, thường cho miếng mỡ vào chảo nóng, quét mỡ đều khắp lòng chảo. Mỡ heo sẽ mang đến hương vị thơm hơn dầu ăn. Múc bột đổ vào chảo chảo, tráng đều, thêm đầy đủ nhân vào ½ chiếc bánh, đậy nắp khoảng 3 phút cho bánh chín vàng giòn.
Dùng xẻng gấp 1 nữa phần bánh xèo lại là hoàn thành.
Bánh xèo thường được ăn cùng các loại cải, rau sống như cải bẹ xanh, rau thơm, rau diếp cá, hung quế… Đặc biệt, khi người miền Tây ăn bánh xèo, không thể thiếu đọt xoài hay đọt cóc non mang đến vị chua, lá cách và cả hoa điên điển. Bên cạnh đó, nước mắm tỏi ớt chua ngọt chính là linh hồn của món bánh này. Pha nước chấm theo công thức 1 tép tỏi, 2 trái ới, 5 muỗng canh đường, 1 trái chanh, 1/2 chén nước mắm và 1 chén nước ấm. Hoặc các bạn có thể tham khảo qua các loại nước chấm chanh tỏi ớt tại đây nhé!


2. Bánh giầy giò
Bánh giầy giò là một loại bánh truyền thống của những người con Việt Nam làm ra để bày tỏ lòng biết ơn của mình đến trời và đất. Một địa danh gắn liền với bánh giầy, đó là bánh giầy Quán Gánh (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Bánh giầy không nhân là loại phổ biến nhất và được ăn chung với chả lụa, giò bò, chả quế…Ở miền Nam loại bánh này được gọi là bánh giầy kẹp chả.
Nguyên liệu (làm 3 cặp bánh giầy)

  • 200g bột nếp
  • 20g bột gạo
  • 200g sữa tươi không đường
  • 200g giò lụa
  • Lá chuối

Cách làm:
Cho bột nếp và bột gạo vào tô lớn, trộn đều và rây cho mịn.
Đổ sữa tươi không đường vào tô, nhào mạnh tay đến khi được một khối bột chắc chắn, không dính tay.
Lá chuối, rửa sạch, cắt thành những miếng hình vuông khổ 8x8cm, thoa một ít dầu ăn lên mặt để chống dính. Lấy một ít bột, vo tròn, ép dẹp, đặt lên lá chuối.
Đem bánh đi hấp cách thủy khoảng 7-8 phút. Sau đó,lấy bánh ra, để cho nguội bớt.
Khi ăn, lấy 1 cặp bánh, kẹp chả vào giữa và rắc ít muối tiêu. Như vậy là hoàn thành.
Bánh giầy giò sẽ rất ngon nếu ăn cùng các loại chả như chả bò, chả lụa, chả quế tự làm nữa. Hãy tham khảo công thức làm chả quế tại đây nhé!


3. Bánh giò
Nếu bạn là một người thường xuyên ra khỏi nhà vào buổi sáng sớm tinh sương, bạn sẽ quen thuộc với tiếng rao “bánh giò đây!” từ chiếc loa nhỏ trên những chiếc xe máy chở bánh giò. Đây là loại bánh xuất hiện từ rất lâu đời, được làm từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản và rẻ tiền nhưng mùi vị đã khiến nhiều người ngây ngấy vì chứa đựng hương vị tuổi thơ.
Nguyên liệu:

  • 400gr bột bánh giò
  • 200 gr thịt nạc vai
  • 30 gr nấm mèo
  • 1 củ hành tây
  • 1/2 muỗng cà phê muối
  • 1 muỗng cà phê bột ngọt
  • 4 miếng lá chuối
  • 500 gr xương heo
  • 1/2 muỗng cà phê tiêu
  • 2 muỗng canh nước tương

Cách làm:
Ngâm nấm mèo cho mềm ra rồi rửa sạch, băm nhuyễn. Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
Thịt nạc vai heo rửa sạch, băm nhuyễn. Lá chuối rửa sạch, lau khô. Dây lạc buộc đem ngâm trong nước khoảng 10 phút cho mềm rồi vớt ra để ráo.
Cho 500ml nước và xương heo vào nồi, để lửa to hầm xương khoảng 25-30 phút. Sau đó, vớt hết xương ra rồi cho bột bánh giò vào, để lửa nhỏ, khuấy đều tay cho bột tan đều. Tiếp tục đun và khuấy cho đến khi bột bánh đặc quánh lại thì tắt bếp.
Tiếp theo đó, trộn thịt băm với nấm mèo, hành tây và gia vị để tạo thành nhân.
Công đoạn gói bánh đến rồi đây, gói lá chuối thành hình phễu rồi cho vào 2 muỗng canh bột vào trước. Dùng tay ấn nhẹ tạo lõm ở giữa rồi cho vào đó 1 muỗng canh hỗn hợp nhân. Cho tiếp 2 muỗng canh bột bánh, ấn nhẹ cho bộ dàn đều rồi gói lại. Dùng dây lạc buộc bánh cho chắc.
Đặt nồi lên bếp rồi xếp bánh vào. Đổ nước vào cho vừa ngập hết mặt bánh. Luộc bánh trong vòng 30 phút là bánh chín. Vớt ra để nguội.
Bánh giò có nơi ăn cùng tương ớt, cũng có nơi ăn bánh giò trên đĩa, thêm ít chả, dưa leo và nước mắm.

4. Bánh bột lọc
Bột lọc là một loại bánh đặc sản của Việt Nam. Khi đến Hà Nội, người dân ở đây sẽ giới thiệu với bạn đây là đặc sản của Hà Nội. Nhưng khi đến Huế, người ta lại bảo đây là đặc sản của Huế. Bánh bột lọc đi đến đâu cũng trở thành một món ăn rất được yêu mến vì sự đơn giản, dân dã nhưng mang đậm chất Việt Nam.
Nguyên liệu:

  • 300gr tôm tươi
  • 250gr thịt ba chỉ
  • 400gr bột năng
  • 2 muỗng canh dầu ăn
  • Vài củ hành tím và vài nhánh tỏi băm nhuyễn
  • Muối, tiêu, đường, nước mắm, hạt nêm
  • Lá chuối 10 lá

Cách làm:
Thịt ba chỉ rửa sạch thái miếng nhỏ và mỏng. Tôm lột vỏ rửa sạch ướp với ít hành tím, tiêu, hạt nêm cho thấm gia vị.
Phi thơm ít tỏi băm với 2 muỗng canh dầu ăn trong chảo, cho thịt ba chỉ vào xảo cho thịt xăn lại.
Tiếp theo cho tôm vào xào chung với thịt khoảng 3 phút. Nêm thêm chút đường và nước mắm cho đậm đà.
Để phần xào cho nguội. Cho 400gr bột năng và 300ml nước vào nồi, bắc lên bếp, nấu nhỏ lửa, khuấy đều đến khi hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp.
Lau khô lá chuối, múc 1 giá bột cho ra lá theo chiều dài. Cho 1 miếng thịt và một con tôm vào giữa bột. Gói lá chuối lại sao cho kín và buộc dây. Đem bánh đi hấp cách thủy 30 đến 35 bánh sẽ chín.
Bánh sẽ ngon hơn nếu ăn kèm với một tí hành lá phi thơm và nước mắm tỏi ới ngòn ngọt.

5. Bánh ít trần
Bánh ít trần là loại bánh nổi tiếng ở miền trung Việt Nam. Thường có hai loại bánh ít trần là loại nhân tôm thịt và loại nhân đậu xanh. Bánh ít trần cũng mộc mạc như chính tên gọi của nó. Ngày nay, chúng ta vẫn luôn nhìn thấy được những quai quánh nặng trĩu bán bánh ít trần ven những con đường, những vỉa hè.
Nguyên liệu:

  • 500gr bột nếp
  • 200gr tôm tươi
  • 100gr thịt băm
  • 40 ml dầu ăn
  • Vài củ hành tím
  • Vài nhánh hành lá
  • Gia vị

Cách làm:
Cho bột ra tô, chừa lại 1/3 chén bột khô, dùng để áo bột. Còn lại trộn với 300ml nước sôi, dùng đũa trộn đều. Nếu thấy bột hơi khô thì cho thêm 20ml dầu ăn vừa đỡ dính tay và bột rất mượt. Để bột sang một bên cho bột nghĩ khoảng 15 phút.
Tôm lột vỏ, bỏ đầu, lấy chỉ đen. Thái tôm hạt lựu chứ không băm.
Hành lá, ngò, rửa sạch cắt nhuyễn. Hành tím lột vỏ, băm nhuyễn.
Thịt lợn băm nhỏ, trộn thêm ít tiêu, 1 muỗng bột nêm. Bắc chảo lên bếp phi hành tím cho thơm và cho tôm và thịt băm nhỏ xào chín. Nêm thêm ít gia vị cho vừa ăn.
Lấy bột ra bàn, áo một lớp bột. Nhồi bột cho dẻo, lăn bột thành hình dài đường kính khoảng 3cm, cắt bột thành từng viên vuông. Sau đó dùng cây lăn cán bột dẹp, hình tròn. Không cán quá dày hay quá mỏng, bánh sẽ không được ngon.
Cho nhân vào giữa bột và vê thành hình tròn, miết kỹ những chỗ nối cho đẹp mắt. Lúc này mang hấp bánh hay luộc đều được. Hấp bánh trong vòng 20 phút, bạn có thể cho thêm lá dứa vào nước cho thơm. Bánh chín có thể ăn kèm với nước mắm tỏi ớt ngòn ngọt và ít đồ chua thì còn gì bằng.


6. Bánh bèo
Bánh bèo là một loại bánh rất phổ biến ở miền Trung, ngoài ra cũng được bày bán nhiều ở miền Nam. Có người cho rằng cái tên bánh bèo được hình thành vì hình dạng bánh khá giống lá bèo. Ở miền Nam, chúng ta thường thấy bánh bèo được bày bán cùng một loạt các loại bánh khác như bánh ít trần, bánh bột lọc, bánh đúc, bánh nậm…
Nguyên liệu:

  • 100gr bột gạo
  • 30gr bột năng
  • 250gr tôm tươi
  • 200gr thịt heo bằm
  • Dầu điều
  • 1 ít hành lá
  • Gia vị gồm có nước mắm, tiêu đường bột nêm
  • Nước cốt chanh
  • Ít hành tím và tỏi băm nhuyễn

Cách làm:
Bước đầu tiên, chúng ta hãy chuẩn bị tất cả các nguyên liệu. Tôm rửa sạch và lột vỏ, băm nhuyễn (nên giữ lại đầu gạch để tạo màu đẹp).
Phi thơm hành tỏi băm với 1/2 muỗng canh dầu, sau đó cho tôm và thịt heo bằm vào, nêm nếm vừa ăn.
Hòa 20gr bột năng với 200ml nước sạch, từ từ đổ vào nồi thịt, khuấy đều tay cho đến khi nước sánh lại.
Đun 150ml nước sạch cùng 60ml nước mắm, 50gr đường ở lửa nhỏ rồi để nguội, cho thêm 15ml nước cốt chanh vào, khuấy đều để làm nước mắm, có thể thêm ớt băm cho đẹp mắt. Cắt nhỏ hành lá, cho vào dầu phi thơm.
Hòa 100gr bột gạo với 10gr bột năng và 2gr muối. Đổ 300ml nước sạch vào, khuấy đều, sau đó để bột nghỉ khoảng 15 phút.
Cho bột ra chén và đem hấp 15 phút cho chín. Sau đó đem ra ngoài, rưới sốt tôm thịt, mỡ hành, nước mắm lên bánh và măm ngay thôi nào.

Những loại bánh rất đơn giản và mộc mạc như thế này đã làm nên một nền văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc cho đất nước Việt Nam. Chiếc bánh đơn sơ không cầu kì, dễ thực hiện nhưng vô cùng thơm ngon cũng giống như con người Việt Nam vậy. “Dân ta thì phải biết sử ta”, đã là người Việt Nam thì phải biết món Việt Nam đúng không nào? Hãy bắt tay làm thử để cảm nhận được trọn vẹn linh hồn của ẩm thực Việt Nam nhé!