Đậu phụ là thực phẩm được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau và luôn được lòng cả người lớn, trẻ nhỏ. Tuy nhiên, mỗi món ăn là một cách làm đậu hũ khác nhau và chúng ta thường nấu đậu phụ sai cách mà vẫn không hay biết. Giờ mình cùng tìm hiểu 5 sai lầm khi chế biến đậu phụ nhiều chị em nội trợ hay mắc phải nha.
1. Chọn không đúng đậu phụ cho món ăn
Đậu phụ cũng được chia thành nhiều loại khác nhau. Có đậu phụ cứng, có đậu phụ mềm, có loại đậu phụ có độ dai mềm vừa phải. Tuy nhiên, cũng có loại phụ thuộc vào ý của người làm mà chúng thường khô, cứng hơn bình thường.
Ngoài ra, đậu phụ còn có đậu phụ trắng – loại chưa chiên và đậu phụ vàng – đã chiên rồi. Vì vậy, khi chế biến từng loại món ăn bạn cần lựa chọn đậu phụ thích hợp. Chẳng hạn như đậu phụ trắng non thường dùng để nấu canh hay món đậu hũ Tứ Xuyên, đậu hũ giấy bạc… còn khi chiên bạn nên dùng đậu phụ mềm vừa phải hoặc đậu hũ vàng. Với món đậu phụ sốt cà, bạn nên dùng đậu hũ đã chiên vàng sẽ ngon hơn nha.
Nếu như không chọn đúng loại đậu phụ cho từng món ăn thì chắc chắn hương vị sẽ không thể nào ngon được đâu đấy.
2. Không loại bỏ bớt nước trong đậu phụ
Dù là loại đậu phụ nào sau khi mua về đều có khá nhiều nước ở trong đó, nhất là đậu phụ vừa mới được làm xong hay đậu phụ đóng hộp.
Do đó, trước khi bắt đầu tiến hành nấu nướng đậu phụ, bạn nên ép nhẹ cho nước từ đậu phụ chảy ra bớt, sau đó dùng giấy ăn thấm khô và chế biến như bình thường.
Cách này giúp cho đậu phụ không bị nát mà khi chiên còn không bị bắn dầu. Nó còn giúp đậu sau khi chiên sẽ giòn ngon hơn, vì đậu phụ còn nhiều nước lúc chiên sẽ phồng lên nhưng không giòn được.
3. Cắt đậu phụ không đúng kích thước
Bình thường chị em mỗi khi chế biến đậu phụ thành nhiều món khác nhau đều cắt thành miếng vuông to như nhau. Nhưng với mỗi món bạn cần có một kiểu cắt phù hợp để món ăn vừa đẹp vừa ngon.
Với những món xào hay salad, bạn cắt thành dạng thanh dài vừa ăn. Các món chiên, rán thì cắt miếng vuông to vừa phải. Còn làm đậu hũ nhồi thịt thì bạn nên để nguyên miếng hoặc đậu phụ bự thì cắt đôi. Để trang trí hay làm đậu hũ sốt Tứ Xuyên thì cắt hạt lựu.
4. Không ướp gia vị cho đậu hũ
Hầu như chúng ta ai cũng nghĩ rằng đậu phụ rất dễ ngấm gia vị khi chế biến nên không cần tẩm ướp gì thêm trước khi làm. Tuy nhiên, đôi khi đây lại là một sai lầm khiến món ăn trở nên nhạt và không có mùi vị gì nhiều.
Vậy nên sau khi đã làm sạch đậu phụ, bạn có thể ướp vào các loại gia vị thảo một tự nhiên để tăng thêm hương thơm cho món ăn hoặc một loại nước sốt đơn giản được làm từ sự kết hợp giữa gia vị như tỏi, dầu ăn hay nước mắm… để tăng độ ngon của đậu phụ.
Tuy nhiên, thường khi nấu canh sẽ rất ít người tẩm ướp gia vị vào đậu phụ trước rồi mới nấu mà vẫn sẽ giữ nguyên hương vị của đậu phụ.
5. Không canh thời gian nấu đậu phụ đúng
Dù cho bạn đã làm hết tất cả bước trên như cắt đúng kiểu, ép bớt nước, nêm gia vị mà món đậu phụ của bạn vẫn không được ngon có thể là do thời gian nấu của bạn cho từng món ăn không chính xác hoặc kết hợp các nguyên liệu chưa thích hợp cũng khiến món ăn không ngon.
Ví dụ như với đậu phụ chiên sẽ có thời gian lâu hơn một chút vì chúng cần được chín vàng đều và giòn ở tất cả các mặt. Hay khi nấu canh, bạn chỉ cần cho đậu phụ vào sau cùng khi đã nấu những nguyên liệu khác gần chín.
Đậu phụ là một món rất dễ ăn và cũng dễ thực hiện nhưng vì tính chất mềm mịn, dể bể của nó mà rất dễ khiến chúng mất ngon trong quá trình chế biến nếu không biết làm đúng cách. Chị em nên ghi nhớ ngay để tránh mắc những sai lầm không đáng có khi nấu đậu phụ nha.
Chúc chị em thành công khi chế biến đậu phụ thành nhiều món ăn ngon khác nhau!