Đã từ lâu, người ta biết đến yến sào như một loại cao lương mỹ vị với hàm lượng chất dinh dưỡng cực kỳ cao, rất tốt cho sức khỏe. Nhưng công đoạn sơ chế món ăn này cũng rất cầu kỳ, công phu và tốn nhiều thời gian, khiến cho không ít bà nội trợ ái ngại.
Với một vài dụng cụ đơn giản quen thuộc, sơ chế tổ yến sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn cùng tìm hiểu cách làm sạch lông trong tổ yến sau đây nhé!
Bước 1: Vệ sinh tạp chất ngoài bề mặt
Nhẹ nhàng chà sạch bề mặt tổ yến bằng bàn chải đánh răng, loại bỏ các bụi bẩn trên bề mặt tổ yến.
Bước 2: Làm mềm tổ yến
Dùng 1 chiếc khăn ẩm để bọc tổ yến lại, bỏ vào một cái hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh. Tùy theo từng loại tổ yến mà thời gian ủ khăn ẩm khác nhau, bạch yến thì chỉ cần ủ từ 2-6 giờ, huyết yến ủ khoảng 20 giờ. Nhưng nhìn chung, không ủ chúng quá 24 giờ.
Nếu không dùng khăn ẩm để ủ tổ yến, chúng ta vẫn có thể ngâm tổ yến trong nước sạch để sợi yến mềm ra. Tuy nhiên, các phần của tổ yến có độ cứng không đều, phần chân tổ thường cứng hơn những phần còn lại. Vì thế, chúng ta không nên đợi cho tổ yến mềm hẳn, mà hãy làm sạch những phần yến mềm trước, trong khi đó, phần cứng được ngâm sẽ có đủ thời gian để tơi ra.
Bước 3: Loại bỏ lông ra khỏi sợi yến
Sau khi tổ yến đã tơi nhẹ và mềm ra, chúng ta tiến hành làm sạch những sợi lông còn sót lại trong tổ. Dùng nhíp chuyên dụng gắp lông ra khỏi tổ yến, còn những sợi lông nhỏ, chúng ta có thể cho tổ yến vào 1 cái rây lỗ nhỏ và rây nhẹ nhàng qua nước sạch nhiều lần.
Cách làm sạch tổ yến vô cùng đơn giản, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, để sợi yến sạch sẽ mà vẫn giữ được hương vị tươi ngon và chất dinh dưỡng.
Những điều cần lưu ý khi sơ chế và chế biến tổ yến
1. Không để tổ yến ngâm trong nước quá lâu, sẽ làm mất hết chất dinh dưỡng cũng như vị ngon tự nhiên của tổ yến
2. Không dùng yến để nấu trực tiếp các món chè, cháo, canh,…Phương pháp chế biến tổ yến tốt nhất là hấp cách thủy. Những món ăn kèm được chế biến riêng và dùng chung với tổ yến sau khi chế biến.
3. Không dùng lò vi sóng để hấp lại yến, dễ làm phá vỡ các vi chất trong yến.
4. Nhiệt độ để nấu tổ yến không quá 100 độ C.
5. Để yến khô ráo trước khi bảo quản trong tủ lạnh.
Yến sào mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, cho nhiều độ tuổi khác nhau. Chính vì thế, mặc dù mức giá khá đắt đỏ nhưng lượng tiêu thụ yến sào vẫn luôn ổn định. Với những thông tin trong bài viết, hi vọng các bạn sẽ hiểu rõ hơn và chế biến chúng thành những món ăn thơm ngon mà vẫn giữ trọn dinh dưỡng. Chúc các bạn thành công!