Chè bưởi có một hương vị ngọt thanh, ngon giòn vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt cách nấu chè bưởi lại không quá phức tạp cho nên món chè này được rất nhiều bạn tự làm ngay tại nhà và thưởng thức.
Dưới đây là 2 cách làm chè bưởi nhanh và đơn giản mà Bếp muốn giới thiệu đến các bạn, để có thể dễ dàng tự làm ngay tại nhà, thưởng thức và chiêu đãi người thân trong gia đình một cách trọn vẹn nhất. Ly chè bưởi mát lạnh ngọt thơm, cùi bưởi dai dai, sần sật, không bị đắng vô cùng hấp dẫn.
Chè bưởi
Cách đầu tiên mình muốn chia sẻ đến các bạn là kiểu nấu phần cùi bưởi và phần đậu xanh riêng. Để khi ăn bạn sẽ cảm nhận được 3 tầng chè, tầng cốt dừa rồi đến tầng cùi bưởi giòn thanh không đắng, rồi đến phần chè đậu xanh thơm ngon. Chè bưởi được thưởng thức một cách trọn vẹn, bạn cũng có thể ăn cùng với đá hoặc giữ lạnh trong tủ lạnh cho đến khi dùng đều ngon cả. Cùng tự tay nấu cho mình và gia đình một nồi chè bưởi siêu an toàn và ngon lành nào!
Nguyên liệu:
Phần bưởi
- 1 trái Bưởi
- 150g Bột năng
- 100g Đường trắng
- 2 muỗng cà phê Muối
- 20g Phèn chua
Phần chè
- 100g Đậu xanh không vỏ
- 30g Bột năng
- 250g Đường trắng
- 1/2 muỗng cà phê Muối
Phần nước cốt dừa, đậu phộng
- 500ml Nước cốt dừa
- 100g Đậu phộng rang sẵn
- 1 muỗng canh Bột năng
Cách làm:
Bưởi rửa sạch, gọt bỏ phần vỏ xanh (nếu còn vỏ xanh chè bưởi sẽ rất đắng), sau đó tách lấy phần cùi trắng của bưởi.
Để nấu chè bưởi ngon bạn nên lựa bưởi da xanh hoặc bưởi Năm Roi, trái bưởi vừa chín tới, không quá non cùi trắng sẽ mỏng, còn già quá cùi bưởi sẽ có nhiều sơ khi ăn gây cảm giác lạo xạo trong miệng.
Phần cùi trắng bạn cắt ra thành những miếng hạt lựu nhỏ đều nhau. Ngâm cùi bưởi với nước và 2 muỗng cà phê muối trong 30 phút.
Sau 30 phút, bạn lọc bỏ phần nước muối, thêm nước lạnh vào rồi bóp cùi bưởi dưới nước, sau đó vắt khô. Cứ làm nhiều lần như vậy đến khi ăn thử một miếng bưởi thấy hết đắng là được (có thể phải xả và vắt đến hơn 10 lần). Khi thấy bưởi hết đắng, bạn vắt khô và để ráo. Nấu 400ml nước và 20gr phèn chua đến khi nước sôi bùng lên. Cho cùi bưởi vào trụng, đến khi nước sôi lại thì vớt ra, xả qua nước lạnh rồi vắt ráo một lần nữa.
Sau khi vắt ráo, bạn cho bưởi ra tô sạch, thêm 100gr đường vào rồi trộn đều, chờ đến khi đường tan hết nước (khoảng 30 phút). Sau đó cho cùi bưởi vào chảo chống dính, rang đều tay ở lửa nhỏ nhất (lửa nhỏ để đường không bị cháy), đến khi nước đường bay hơi hết thì nhắc xuống.
Cho bưởi ra tô lớn, tranh thủ lúc cùi bưởi còn nóng bạn cho bột năng vào đảo đều để bột năng thấm sâu vào cùi bưởi. Với 150gr bột năng bạn chia làm 3 lần, mỗi lần cho vào 50gr. Cứ đổ bột năng vào cùi bưởi, trộn đều. Lần đầu bột năng sẽ thấm hết vào cùi bưởi và cùi vẫn còn ướt, lần thứ 2 sẽ còn 1 lớp bột mỏng, lần thứ 3 thì bột năng đã áo đều cùi bưởi, tạo thành những hạt màu trắng đục khô ráo.
Bắc một nồi nước, chờ đến khi nước sôi bùng sau đó hạ nhỏ lửa. Lúc này bạn chia thành 2 đợt, lần lượt cho cùi bưởi vào luộc. Khi cùi bưởi nổi lên mặt nước có nghĩa là cùi đã chín, bạn vớt ra cho vào tô nước đá lạnh để cùi bưởi được giòn hơn.
Pha sẵn phần nước đường để ngâm bưởi gồm 150ml nước ấm và 100gr đường. Chắt ráo phần nước đá lạnh, đổ nước đường vào cùi bưởi. Cách này sẽ làm phần vỏ bột năng bên ngoài bưởi thấm vị ngọt, bưởi không dính vào nhau và các bạn có thể dùng phần bưởi này như một loại thạch, làm topping uống chung với các loại trà sữa hay hồng trà đều ngon.
Cho vào nồi 100gr đậu xanh đã ngâm mềm cùng với 300ml nước, nấu đến khi nước sôi thì vớt bọt, hạ nhỏ lửa hầm khoảng 5 phút cho đậu mềm. Thêm 250gr đường, 1/2 muỗng cà phê muối vào, khuấy đều, nấu 10 phút ở lửa nhỏ cho đậu ngấm đường.
Pha 30gr bột năng với 30ml nước lạnh. Đổ nước bột năng vào nồi chè, vừa đổ vừa khuấy đều đến khi thấy nặng tay, nước chè sánh đặc lại là được. Nấu thêm 1 phút cho bột năng chín thì nhắc xuống.
Cho 500ml nước cốt dừa cùng 1 muỗng canh bột năng vào nồi, khuấy đều cho tan bột năng. Bật bếp ở lửa nhỏ, khuấy liên tục đến khi nước cốt dừa sệt lại thì nhắc xuống.
Khi ăn múc chè đậu xanh ra ly, tiếp đến là thạch bưởi, rồi đến đá đập nhuyễn, thêm nước cốt dừa và cuối cùng là đậu phộng rang. Theo cách này bạn sẽ có được một ly chè bưởi nhiều tầng nhìn rất đẹp mắt, ngoài ra còn có thể điều chỉnh được độ nhiều ít của từng thành phần theo sở thích nữa.
Chè bưởi miền Tây
Cách tiếp theo nếu bạn không thích rắc rối như trên chính là nấu thạch bưởi hòa quyện cùng với đậu xanh luôn. Thường thì cách này người ta sẽ thích ăn nóng hơn, mọi thứ đều hòa quyện vào nhau tạo nên món chè bưởi dân dã mà ngon miệng. Giòn giòn của cùi bưởi, thơm mùi đậu xanh, bùi bùi của nước cốt dừa nữa, mình thì thích kiểu ăn này hơn, các mẹ cứ thử xem. Đơn giản, nhanh gọn, lại có bí kíp không bị đắng nữa chứ!
Nguyên liệu:
- 200g Vỏ bưởi tươi
- 200g Đậu xanh không vỏ
- 150ml Nước cốt dừa
- 100g Đường trắng
- 1 muỗng cà phê Muối
- 1 muỗng canh Phèn chua
- 15g Bột năng
- 1/2 bó Lá dứa
Cách làm:
Đậu xanh không vỏ ngâm nước khoảng 2 giờ hoặc qua đêm. Sau đó, cho đậu xanh vào nồi, nấu chín.
Vỏ bưởi tươi rửa sạch, cắt bỏ lớp màu xanh bên ngoài, cắt thành hạt lựu. Trộn vỏ bưởi với muối, 1/2 chén nước, dùng tay bóp nhẹ để không bị đắng, ngâm vỏ bưởi khoảng 3 giờ hoặc qua đêm.
Đun sôi nồi nước với 1 muỗng canh phèn chua, cho vỏ bưởi vào, luộc sơ qua. Rửa vỏ bưởi lại với nước khoảng 2-3 lần, cho vào tô, trộn với 50gr đường trắng trong tô.
Cho vỏ bưởi vào tô bột năng, trộn đều. Tiếp đến, cho vỏ bưởi vào nồi nước, luộc khoảng 5 phút. Vớt vỏ bưởi ra, cho vào tô nước lọc.
Đun sôi nồi nước, cho lá dứa, 50gr đường trắng còn lại, 100ml nước cốt dừa, đậu xanh không vỏ và vỏ bưởi vào, khuấy đều, nấu nhỏ lửa khoảng 5-10 phút.
Tắt bếp, múc chè bưởi ra chén, chan thêm nước cốt dừa còn lại lên chè, vậy là món ăn đã xong rồi.
Hi vọng bài viết này sẽ có nhiều hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công với cách nấu chè bưởi thơm ngon, thanh ngọt này nhé!